Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng giao ba bộ kiểm tra, làm rõ

Chiều 31-8, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ tháng 8-2016. Người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng các bộ trưởng đã trả lời nhiều vấn đề phóng viên nêu ra.

Bộ Nội vụ chưa báo cáo vụ ông Trịnh Xuân Thanh

. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ liên quan kiểm tra, báo cáo về việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh cũng như làm rõ trách nhiệm trong thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mà ông Thanh là người đứng đầu. Đến nay kết quả xác minh thế nào? Đang có thông tin về việc áp dụng các tiến trình tố tụng hình sự với ông này, vậy thực hư thế nào?

+ Ông Mai Tiến Dũng: Liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh thì Thủ tướng đã giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ. Bộ Nội vụ thì rà soát toàn bộ quy trình bổ nhiệm nhưng chưa có báo cáo kết quả chính thức.

Sự việc này các cơ quan của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc đồng bộ. Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng. Đó là kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong cả công tác đề bạt, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, cả trong sử dụng tài sản, tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cả hệ thống chuyển động.

Sau này có thông tin chính thức, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo.

. Đến nay, Formosa đã chuyển hết 500 triệu USD bồi thường thiệt hại môi trường cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc lên phương án bồi thường của Chính phủ dường như chậm trễ. Có khó khăn, vướng mắc gì? Bao giờ tiền bồi thường, hỗ trợ tới được với người dân?

+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Vì biểu mẫu thống kê cũng khá phức tạp. Vì vậy các địa phương kiến nghị kéo dài thời gian chuẩn bị thêm năm ngày, tức là 15-9 mới hoàn tất tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý với việc giãn tiến độ này và giao Bộ Tài chính làm đầu mối tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Đặt mục tiêu tuần cuối tháng 9, Thủ tướng ký quyết định phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các tỉnh. Trên cơ sở đó địa phương chi trả cho dân.

Cũng phải báo cáo thêm là còn nhiều thủ tục tính toán định mức, định giá thiệt hại, áp giá… mà đòi hỏi nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, bắt buộc. Cho nên các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt mới làm kịp được. Vấn đề không phải là nhanh hay chậm mà làm sao để cuối cùng những người bị thiệt hại phải được kê khai, tính toán đầy đủ và bồi thường, hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Cần kiểm tra bãi rác Đa Phước”

. Người dân TP.HCM đang đặc biệt lo ngại về hiện tượng mùi hôi mà nghi ngờ phát ra từ bãi rác Đa Phước. Rồi dư luận về giá thành xử lý rác giao cho Đa Phước quá cao, bất hợp lý… Đến nay cơ quan chức năng ở trung ương đã vào cuộc thế nào?

+ Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Vừa rồi TN&MT TP.HCM đã khảo sát. Đánh giá ban đầu thì nguyên nhân chính là từ khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước và hoạt động nạo vét bùn của Công ty Sài Gòn Xanh.

Về bãi rác Đa Phước, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công nghệ xử lý rác thải. Hiện họ chủ yếu làm theo cách chôn lấp với quy trình, công nghệ áp dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước rác chưa hoàn thành, ví dụ như phải có bể chứa… Ngoài ra còn cần đánh giá các quy trình nhận rác, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác, rồi xử lý, thu khí… Cần kiểm tra xem Đa Phước đã thực hiện đầy đủ các quy trình, công nghệ đó chưa.

Có một vấn đề là quy hoạch xử lý rác. Chúng tôi thừa nhận cách đây 10-15 năm, khu vực quanh Đa Phước hoang sơ thì quy hoạch ở đó là hợp lý. Nhưng đô thị hóa nhanh như vừa qua thì phải tính quy hoạch theo vùng, tầm nhìn xa hơn, có sự phối hợp với các tỉnh khác.

Về giá thành thì TP.HCM chắc phải tính toán kỹ, tôi không bình luận. TP thông tin sẽ đầy đủ hơn.

. Vụ án giết bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã được khởi tố hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân. Đến nay đã có kết quả xác minh ban đầu chưa?

+ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng đã lên làm việc trực tiếp với Thường vụ Tỉnh ủy, thị sát, kiểm tra tình hình. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với địa phương tập trung ổn định tình hình, điều tra nguyên nhân, sớm báo cáo Thủ tướng. Đến nay Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Nhưng thời gian ngắn chưa thể tìm ra nguyên nhân được. Tới đây kết quả điều tra thế nào sẽ thông báo cho báo chí rõ.

Thủ tướng đòi hỏi các hệ thống phải chuyển động

Phiên họp thường kỳ diễn ra hai ngày 30 và 31-8, Chính phủ đã cho ý kiến một số dự án luật để chuẩn bị trình Quốc hội. Chia sẻ với giới truyền thông trong buổi họp báo cuối ngày 31-8, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã làm rõ hơn nội hàm của Chính phủ kiến tạo, theo đó các thành viên nội các cần dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế, bảo đảm tính khoa học, khả thi hợp lý. Phải đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến các đối tượng chịu sự tác động; các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng; coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.

Giải thích thêm về hoạt động bước đầu Tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng vừa tiến hành tại Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, ông Mai Tiến Dũng cho biết đây là cách làm mới của Thủ tướng. “Việc đó thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm. Khắc phục tình trạng mà có đại biểu Quốc hội nhận xét - khoảng cách xa nhất là từ lời nói tới việc làm”.

Theo ông Dũng, quan điểm của Thủ tướng là phải kiểm tra, đôn đốc các bộ ngành, địa phương, từ đó đánh giá sự vận động của bộ máy có hướng về dân, doanh nghiệp, có tạo ra sự phát triển không. “Thủ tướng đòi hỏi các hệ thống phải chuyển động chứ không chỉ Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Phải chuyển động từ các bộ xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, xuống xã. Vì vậy giao việc thì phải gắn hơn nữa với kiểm tra, đôn đốc”.

Cũng chia sẻ quan điểm của Thủ tướng, ông Dũng cho biết người đứng đầu hành pháp nhấn mạnh cả hệ thống phải có khát vọng. Trong từng cuộc làm việc với địa phương, Thủ tướng đề nghị đảng bộ, nhân dân phải khát vọng phát triển. Bởi lãnh đạo không khát vọng thì không phát triển được và có khát vọng mới có suy nghĩ sáng tạo và hành động sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm