Vụ ông Dương Chí Dũng: Có thể buộc thôi việc ngay sau khi truy nã

Sự kiện nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng sau khi tòa xử phúc thẩm kết án mới bị cơ quan chủ quản là Bộ GTVT buộc thôi việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Suốt thời gian từ sau khi bị khởi tố, bỏ trốn cho đến khi có bản án phúc thẩm, ông Dũng vẫn được hưởng lương, thậm chí năm 2013 còn được tăng lương. Vậy quy định pháp luật hiện hành về chuyện này ra sao?

TS Phan Anh Tuấn.

Cơ quan chủ quản quá máy móc

Điều 9 BLTTHS quy định không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khoản 3 Điều 248 BLTTHS cũng quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Do vậy theo quy định của pháp luật, ông Dũng chỉ bị coi là có tội sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án.

ý kiến cho rằng BLHS và BLTTHS hiện hành không có quy định nào về việc xử lý buộc thôi việc với cán bộ, công chức đang bị khởi tố, truy tố, xét xử nên các cơ quan chủ quản cứ chờ có bản án của tòa thì mới xử lý cán bộ của mình cho chắc ăn. Tôi cho rằng nhận định này đúng nhưng không nên hiểu máy móc mà phải tùy vào trường hợp cụ thể.

Đúng là bởi BLTTHS và BLHS không thể quy định được vì chuyện buộc thôi việc thuộc về kỷ luật hành chính, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự. Mặc dù khởi nguồn của vụ việc là hình sự và bản chất là vi phạm trách nhiệm hình sự nhưng quá trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải dựa hoàn toàn vào quy định hành chính liên quan. Cho nên nếu không có đủ các căn cứ để buộc thôi việc công chức theo quy định tại Điều 14 Nghị định 34/2011 (về xử lý kỷ luật đối với công chức) thì công chức đang bị truy tố, xét xử phải chờ bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật mới có thể buộc thôi việc họ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 là “bị phạt tù mà không được hưởng án treo”. Có nghĩa là trong trường hợp họ bị một bản án có hiệu lực pháp luật phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì họ vẫn không bị buộc thôi việc. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có tâm lý chờ nội dung bản án phúc thẩm là cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên, các trường hợp trên là áp dụng đối với những cán bộ, công chức có hành vi phạm tội thông thường, hoàn toàn khác với trường hợp bỏ trốn và bị truy nã của ông Dũng.

Dương Chí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TTXVN.

Ngày 19-5-2012, ông Dũng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã sau khi xác định ông đã bỏ trốn. Như vậy ngay từ thời điểm ông Dũng bỏ trốn và có lệnh truy nã thì Bộ GTVT đã có thể xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Dũng theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 34/2011 với lý do đã tự ý nghỉ việc tại cơ quan (bỏ trốn) quá thời gian quy định. Điều luật này quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Tự ý nghỉ việc tổng số từ bảy ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản ba lần liên tiếp. Ngoài ra khoản 5 điều luật này còn quy định nếu công chức vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng trong quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… cũng là một căn cứ để buộc thôi việc.

Do đó ngay từ đầu, nếu Bộ GTVT căn cứ vào thực tế, quyết liệt và đánh giá được mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi thì đã có thể xử lý kỷ luật ông Dũng. Đằng này Bộ lại chọn một giải pháp an toàn là chờ sau khi có một bản án có hiệu lực pháp luật mới chính thức ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc vào ngày 10-6 vừa qua là thận trọng quá mức và không cần thiết. Đây cũng thể hiện cách hiểu về Nghị định 34/2011 quá máy móc, không đúng tinh thần của nghị định.

Trả lương là tất yếu vì Bộ lỡ “chậm chân”

Việc trả lương cho ông Dũng trong suốt hai năm trong trại tạm giam chờ các cấp tòa xét xử là hệ quả tất yếu của việc Bộ GTVT không ra quyết định buộc thôi việc sớm đối với ông Dũng như đã phân tích ở trên. Bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì chừng nào chưa có quyết định buộc thôi việc của Bộ GTVT thì ông Dũng vẫn được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác.

Cụ thể, khoản 1 Điều 24 Nghị định 34/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định: “Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)”.

Đành rằng việc trả lương cho ông Dũng vấp phải sự phản ứng của dư luận, song nguyên nhân của vấn đề là ngay từ đầu Bộ GTVT đã “chậm chân” trong việc vận dụng pháp luật để buộc thôi việc đối với ông Dũng nên mới xảy ra cớ sự. Trong vụ việc này, tôi khẳng định lại Bộ GTVT không phải chờ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa mới kỷ luật được ông Dũng.

 

Diễn tiến vụ việc

- Ngày 18-5-2012, ông Dương Chí Dũng bị Bộ GTVT tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Ngày 19-5-2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát lệnh truy nã đối với ông Dũng.

- Ngày 5-9-2012, ông Dũng bị bắt, bị tạm giam.

- Tháng 12-2013, ông Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình về tội tham ô; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

- Ngày 7-5-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.

- Ngày 10-6-2014, Bộ GTVT chính thức ra quyết định kỷ luật ông Dũng với hình thức buộc thôi việc do vi phạm pháp luật bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm