Vụ nổ tại Formosa: 'Đáng tiếc nhưng không nguy hiểm'?

Trao đổi ngắn với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 31-5, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra tối qua (30-5) thì lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Tổng cục Môi trường và một số cơ quan của Bộ TN&MT đã có mặt ngay ở Formosa.

“Tôi đã có chỉ đạo từ khi tổ chức vận hành thử chứ không phải đến khi có sự cố mới chỉ đạo” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo phải bảo đảm an toàn từ môi trường cho đến an toàn cháy nổ và tất cả biện pháp đều phải đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói sự cố nổ lò vôi ở Formosa là đáng tiếc nhưng không nguy hiểm. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đối với vụ nổ tối qua tại Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay đây chỉ là một công trình phụ trợ quá trình luyện thép lò cao. Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: “Sự cố vận hành này thì đúng là đáng tiếc nhưng không nguy hiểm”.

Bởi theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vụ nổ đó xảy ra tại hệ thống lọc bụi của lò vôi.

“Trong quá trình vận hành, do áp suất về hơi nước, rồi bụi dẫn tới hệ thống này không chịu được và bục túi lọc bụi của lò này. Vôi thì chúng ta biết rồi, khi có sự cố xảy ra ảnh hưởng đến môi trường là không lớn. Tất nhiên đây vẫn là điều đáng tiếc” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích.

Thông tin thêm và nhận xét ngắn gọn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Khi có sự cố thì Formosa đã dừng ngay lập tức. Nói chung là đã có các biện pháp để ứng phó và cách thức xử lý rất là bài bản”.

Không chỉ trao đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn cung cấp cho báo chí báo cáo chính thức về vụ nổ ở Formosa của UBND tỉnh Hà Tĩnh mới gửi trưa 31-5.

Theo báo cáo này, nguyên nhân vụ nổ là do “trục trặc kỹ thuật thiết bị lọc bụi túi vải tại lò vôi số 1” của Công ty THHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Cụ thể, vào hồi 20 giờ 45 phút ngày 30-5, tại xưởng lò vôi số 1, một hạng mục phụ trợ, cung cấp vôi cho hoạt động của xưởng luyện thép, đã xảy ra trục trặc kỹ thuật gây ra tiếng nổ làm bục thiết bị lọc bụi túi vải của lò vôi số 1. 

Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Bộ TN&MT, các lực lượng liên quan đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, làm rõ thông tin sự việc. Sáng 31-5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Tổng cục Môi trường và lực lượng chức năng đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo FHS và các chuyên gia môi trường làm rõ vụ việc. Sau khi sự cố xảy ra, FHS đã lập tức dừng mọi hoạt động của lò vôi số 1 để tìm nguyên nhân và hướng khắc phục.

Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ là do bụi phát sinh từ quá trình nhập nguyên liệu (đá vôi) vào lò, kết hợp với hơi nước bay lên từ quá trình sấy, đốt lò, nung vôi đã bám dính vào thành, vách của thiết bị lọc bụi túi vải gây tắc nghẽn quá trình lưu thông khí, bụi, gây chênh lệch áp suất và dẫn đến làm bục thiết bị lọc bụi túi vải tại lò vôi số 1. 

“Sự việc nêu trên không gây thiệt hại về người, có thiệt hại về vật chất nhưng không đáng kể và không có tác động, ảnh hưởng đến môi trường, các số liệu quan trắc tự động nước thải, khí thải và môi trường xung quanh tại thời điểm xảy ra vụ việc đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định” - báo cáo nêu.

Báo cáo cũng khẳng định sự cố không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 (từ ngày 29-5) và xưởng luyện thép (dự kiến bắt đầu từ ngày 1-6) của FHS do trước đó FHS đã chủ động nhập dự trữ vôi từ bên ngoài, đảm bảo cung cấp đủ lượng vôi sử dụng làm chất trợ dung cho quá trình vận hành thử nghiệm của xưởng luyện thép. Hiện lò cao số 1 và các hạng mục công trình khác của FHS vẫn đang hoạt động bình thường. Từ lúc 21 giờ 30 ngày 30-5, mẻ gang đầu tiên đã ra lò và tính đến nay đã sản xuất được 1.400 tấn gang lỏng.

Tại cuộc làm việc này, bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu FHS cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong thời hạn bảy ngày, FHS phải khẩn trương đánh giá, xác định được nguyên nhân sự việc một cách khách quan, chính xác để thông tin cho các cơ quan chức năng và dư luận được biết. Đồng thời trong vòng 15 ngày, FHS phải khắc phục hoàn toàn các trục trặc kỹ thuật của lò vôi số 1, rà soát toàn bộ các hạng mục công trình, thay thế thiết bị lọc bụi túi vải với chất lượng tốt nhất, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát bụi, khí thải trong điều kiện hoạt động tại nhiệt độ cao. Lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đề nghị đoàn giám sát của Bộ TN&MT cùng tỉnh phối hợp, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm của FHS trong thời gian tiếp theo, đảm bảo các loại chất thải phát sinh đều được quản lý, xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm