Vụ nhân bản xét nghiệm: Cảnh cáo giám đốc, cao nhất một năm tù

17h7 phút, HĐXX tuyên án.

Theo HĐXX, đủ cơ sở để kết luận, trong khoảng thời gian từ 1-8-2012 đến 31-5-2013, Vương Thị Kim Thành và các kỹ thuật viên khoa xét nghiệm đã thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định: làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả cho bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Cụ thể, các bị cáo này đã in khống 789 kết quả xét nghiệm huyết học, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức trên 16,5 triệu đồng.

Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành côgn vụ như cáo trạng truy tố.

Hành vi của bị cáo Liêm và Nhiên với vai trò là lãnh đạo BV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát thường xuyên, hoặc có kiểm tra nhưng không phát hiện ra sai phạm kéo dài diễn ra tại khoa xét nghiệm. Hành vi của hai bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng đã truy tố.

Hành vi của các bị cáo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế.

Vương Thị Kim Thành, trưởng khoa xét nghiệm là người phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm trước khi trả kết quả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Thành đã không kiểm tra, để các nhân viên tự ý in khống kết quả xét nghiệm, bản thân cũng in khống 18 kết quả.

Bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án, bị áp dụng tình tiêt tăng nặg phạm tội nhiều lần nên cần thiết phải áp dụng hình phạt cách ly khỏi xã hội.

Việc BV Hoài Đức khắc phục hậu quả nộp lại khoản tiền 16,5 triệu cho BHXH thì các bị cáo cũng được hưởng tình tiết giảm nhẹ…

Nguyễn Thị Nhiên là phó giám đốc BV trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm nên vai trò của Nhiên phải cao hơn Liêm giữ vai trò phụ trách chung. Với bị cáo Liêm, chỉ cần áp dụng hình phạt cảnh cáo cũng đủ để răn đe, giáo dục.

BHXH Hoài Đức đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ, không làm hết chức trách nhiệm vụ được giao, không làm đúng, đủ quy trình, hồ sơ thanh toán BHXH nên không phát hiện được hồ sơ đề nghị thanh toán BHXH không hợp lệ  (kết quả xét nghiệm huyết học trùng và phiếu xét nghiệm do các nhân viên khoa xét nghiệm không có thẩm quyền ký).  Buộc BHXH Hoài Đức phải nộp lại số tiền 16,5 triệu đồng để nộp sung công quỹ nhà nước.

Mức án dành cho các bị cáo:

1.      Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm: 12 tháng tù, hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2.      Nguyễn Thị Ngà, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng

3.      Nguyễn Thị Thu Trang, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng

4.      Nguyễn Thị Hồng Nhung, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng

5.      Vương Thị Lan, nhân viên khoa Xét nghiệm: 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách là 16 tháng kể từ tuyên án

6.      Nguyễn Đồng Sơn, nhân viên khoa Xét nghiệm: 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng

7.      Nguyễn Thị Xuyên, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách là 16 tháng kể từ tuyên án

8.      Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc BVĐK Hoài Đức: 10 tháng cải tạo không giam giữ.

9.       Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BVĐK Hoài Đức: cảnh cáo.

16h4 phút: HĐXX nghị án

15 giờ 55, các bị cáo nói lời sau cùng:

Nguyên giám đốc BV Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm: Cho tôi có lời xin lỗi với tất cả đồng nghiệp của chúng tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay. Tôi muốn nói với tất cả mọi người cũng như HĐXX vì sao hôm nay chúng ta phải ở đây. Tất cả chúng ta ở đây đều là nạn nhân của một âm mưu, thủ đoạn để làm hại chúng ta. Đó là ai thì HĐXX, VKS cũng như tất cả mọi người trong phiên tòa này, qua bản cáo trạng cũng như kết luận điều tra, cũng đã nêu rõ họ là ai.

Họ cũng là nhân viên của bệnh viện, nhân viên của tôi trong giai đoạn tôi làm lãnh đạo nhưng họ đã không làm tròn chức trách nhiệm vụ, vi phạm 12 điều y đức, trong đó có câu “Thật thà, đoàn kết từ Bộ trưởng đến người hộ lý”. Họ đã không làm tròn chức trách nhiệm vụ về những điều công chức được làm và không được làm. Mong HĐXX, VKS, các cơ quan liên quan xem xét để tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Về phần tôi, tôi thấy mức án dành cho tôi quá nặng nề và không phù hợp. Mong HĐXX xem xét và minh oan cho tôi.

Với anh chị em có mặt cùng tôi hôm  nay, tôi mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án, làm sao thấu tình đạt lý, làm sao các cháu rất trẻ có cơ hội làm lại cuộc đời. Với các chị lớn tuổi có điều kiện tiếp tục làm việc cho mình, cho gia đình, cho xã hội. Với tôi, tiếp tục được cống hiến cho bản thân, cho gia đình, xã hội.

Trong giai đoạn tôi làm lãnh đạo Bệnh viện, vừa là GĐ, vừa là Bí thư đảng ủy, để xảy ra sự việc này tôi rất đau lòng. Tôi đã gửi nhiều đơn thư tới các cơ quan liên quan, nhất là sau khi có quyết định khởi tố vụ án. Tôi mong muốn gửi lời xin lỗi tới nhân dân cả nước nói chung, nhân dân hà Nội nói riêng, gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế tha thứ cho chúng tôi, mở lượng khoan hồng cho chúng tô có cơ hội làm lại, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y tế của Hoài Đức, Hà Nội và toàn ngành y tế nói chung.

Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên: Tôi đã côgn tác 30 năm, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mong HĐXX xem xét, tận thấu trong lòng mình tôi mong quý tòa xem xét rõ sự việc, mong khoan hồng của pháp luật để có cơ hội tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp y tế.

Bị cáo Vương Thị Kim Thành: Mức án VKS đề nghị cho tôi là quá nặng, tôi xin HĐXX xem xét điều kiện, hoàn cảnh, xin cho tôi được hưởng khoan hồng, được cải tạo  ngoài xã hội.

Các bị cáo khác đều nói mong được khoan hồng.

14 giờ, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. 

Luật sư báo chữa của bị cáo Nguyễn Trí Liêm cho rằng, trách nhiệm của người giám đốc chỉ là xem xét xử lý công việc trên cơ sở báo cáo của cấp dưới. Tất cả các chứng cứ có trong hồ sơ không thể hiện điều này, bác sỹ Liêm không biết khoa xét nghiệm làm sai.
“Ông Liêm không biết, không buộc phải biết và không thể biết. Luật cũng không uy định ông Liêm buộc phải biết”- vị luật sư này nhấn mạnh. 

Bị cáo Nguyễn Trí Liêm: Đề nghị HĐXX xem xét âm mưu, thủ đoạn của người tố cáo, vì cớ gì mà họ tố cáo? Thứ hai, mong muốn HĐXX xem xét toàn diện, tránh bỏ sót người có tội và những người không có tội lại thành có tội.

Chị Nguyệt - người tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm cũng có mặt tại tòa.
Ảnh: Đ.Minh

Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên: Phan Thị Oanh vẫn ký khống kết quả xét nghiệm ngay cả sau khi ký đơn tố cáo, dù không chịu bất cứ áp lực nào. Sau đó Oanh còn  lắp đặt camera quay lấy chứng cứ tố cáo giám đốc. Bản thân Oanh làm mất nhiều sổ sách lưu trữ…

Bản thân tôi đã rất tận tình với công việc được giao nhưng cũng không phát hiện ra được sự in khống này.

Bị cáo Nguyễn Thị Xuyên: Tôi trong nhóm bị cáo vì nể nang đồng nghiệp, vì nể nang tình cảm người nhà, bệnh nhân nên đã ký khống 18 phiếu. Nhưng kết quả cơ quan didều tra cũng đã khẳng định, với bệnh nhân chúng tôi làm việc rất nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến bệnh nhân. Cũng không phải vì kinh tế mà chúng tôi làm thế, vì chúng tôi được hưởng cũng chả đáng là bao.

Chúng tôi sống ở vùng nông thôn, họ nhờ không giúp họ sẽ cho tôi thế này thế kia. Bản thân chúng tôi cũng có người nhà lúc ốm lúc đau phải nhờ các khoa khác nên khi họ nhờ vì nể nang mà tôi giúp.

Còn bà Phan Thị Oanh đã sai phạm còn lắp đặt camera quay bằng chứng tố cáo giám đốc, bản thân Oanh cũng chỉ đạo các kỹ thuật viên, nhân viên in cái này cái khác, tại sao lại được miễn TNHS?

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Phan Thị Oanh: Sự việc xảy ra thế này tôi chỉ xin HĐXX xem xét cho các đồng nghiệp của tôi được hưởng khoan hồng. Đúng là tôi không chỉ đạo các cháu làm, nhưng các cháu lại khai như thế. Thực ra tôi không có quyền chỉ đạo, về chuyên môn tôi càng không được chỉ đạo. Mang tiếng là kỹ thuật viên trưởng nhưng tôi chỉ được làm về hành chính là nhiều.

12h30, phiên tòa tạm nghỉ và bắt đầu làm việc vào 14h. PLO sẽ tiếp tục tường thuật trực tiếp phiên xử. Kính mới bạn đọc đón theo dõi.

12 giờ 13, chuyển sang phần tranh luận, đại diện VKS đọc bản luận tội.

Công tố viên nhận định, mặc dù thiệt hại về mặt tiền không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào bị tổn hại về sức khỏe do sử dụng các kết quả xét nghiệm trùng nhưng sai phạm của Vương Thị Thành và các bị can đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế nói chung và bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nói riêng, gây  hoài nghi và  làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sỹ, gây dư luận xấu trong xã hội.

Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên với vai trò là lãnh đạo của Bệnh viện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động của khoa xét nghiệm hoặc kiểm tra nhưng không phát hiện ra được những sai phạm có hệ thống, diễn ra trong thời gian dài tại khoa xét nghiệm; không phát hiện được hò sơ không hợp lệ, hợp pháp trong khi thanh toán và đã được bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức chi trả tiền bảo hiểm tiền bảo hiểm cho các phhiếu xét nghiệm trùng, các xét nghiệm ký không đúng thẩm quyền, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội…

Mức án đề nghị của VKS

1. Vương Thị Kim Thành (SN 1959), Trưởng khoa Xét nghiệm: 15-18 tháng tù.

2. Nguyễn Thị Ngà (1984),  kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 12-15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Mức án đề nghị này cũng được đưa ra với các bị cáo: 3. Nguyễn Thị Thu Trang (1990), kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm; 4. Nguyễn Thị Hồng Nhung (1990),  kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm; 5. Vương Thị Lan (1988), nhân viên khoa Xét nghiệm; 6. Nguyễn Đồng Sơn (1989), nhân viên khoa Xét nghiệm; 

7.  Nguyễn Thị Xuyên (1961), kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: Bị đề nghị 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.

8. Nguyễn Thị Nhiên (1959), Phó giám đốc BV ĐK Hoài Đức: 15-18 tháng cải tạo không giam giữ.

9. Nguyễn Trí Liêm (1962), Giám đốc BVĐK Hoài Đức: 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.

Vụ nhân bản xét nghiệm: Cảnh cáo giám đốc, cao nhất một năm tù ảnh 2
 Các bị cáo trong phiên tòa sáng 7-3. Ảnh: Đ.Minh

9 giờ 20, đại diện VKS đọc cáo trạng

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 1-8-2012 đến 31-5-2013, Vương Thị Kim Thành và các kỹ thuật viên khoa xét nghiệm đã thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định: làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả cho bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Cụ thể, các bị cáo này đã in khống 789 kết quả xét nghiệm huyết học, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức trên 16,5 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này được đưa về bệnh viện và được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện từng quý.

Tại cơ quan điều tra, Vương Thị Thành, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung… đều khai nhận: Có in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác. Mục đích là để khoa xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Nguyễn Thị Xuyên cũng thừa nhận, việc in kết quả xét nghiệm từ các mẫu máu cũ, ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học để cho nhân viên các khoa khác là sai không đúng thẩm quyền, nhưng lãnh đạo khoa, lãnh đạo Bệnh viện không có ý kiến gì mặc dù đều biết qua các cuộc kiểm tra.

Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội có nhận được đơn của bị can Nguyễn Trí Liêm và một số bệnh nhân, công dân tố giác bà Hoàng Thị Nguyệt (là người tố cáo đưa vụ việc ra ánh sáng) có hành vi lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách. Công an Hà Hội xác định có 20 phiếu kết quả xét nghiệm trùng nhau do bà Nguyệt ký (từ tháng 4- 6-2012).

Xét thấy bà Nguyệt là người chủ động tố giác sự việc tiêu cực, từ tháng 7-2012, bà Nguyệt đã không thực hiện việc in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ, cơ quan điều tra không xem xét xử lý sai phạm của bà Hoàng Thị Nguyệt trong vụ án này mà tách để điều tra, làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ xem xét, xử lý sau.

Đối với bị can Phan Thị Oanh, trong thời điểm có đơn tố cáo (1-8-2012 đến 31-5-2013) đã có hành vi in khống 18 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của kỹ thuật viên trưởng. Toàn bộ các sổ ghi kết quả xét nghiệm từ tháng 7-2012 trở về trước đã làm mất, cho bán giấy vụn. Hành vi của Phan Thị Oanh đã đồng phạm với các bị can trong vụ án, phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên tại hồ sơ, có căn cứ xác định Phan Thị Oanh là một trong những người tham gia ký tên vào đơn tố cáo các sai phạm của Bệnh viện ĐK Hoài Đức, tố giác sai phạm trong việc làm xét nghiệm huyết học, để cho bà Hoàng Thị Nguyệt gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trước khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự; Đồng thời, Phan Thị Oanh cũng là người đã hợp tác, cung cấp thông tin cho người tố cáo. Tại cơ qua didều tra, bị can Phan Thị Oanh đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội nên đã được VKSND TP Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án (miễn TNHS).

9 giờ 55, bắt đầu phần xét hỏi

Vương Thị Lan thừa nhận in khống hơn 200 phiếu kết quả. “Tôi biết là sai nhưng vẫn phải làm theo sự chỉ đạo trực tiếp của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh”- Lan nói.

“Biết là sai sao vẫn làm?”- chủ tọa hỏi.

“Tôi mới vào làm tại bệnh viện, lại không hiểu biết nhiều về pháp luật nên đã làm theo chỉ đạo. Khoa nói làm vậy để tăng thêm thu nhập cho bệnh viện”.

“Trường hợp in khống là những trường hợp người nhà và người thân của những người trong bệnh viện đến xin. Họ chỉ đến xin chứ không cung cấp mẫu máu. Các khoa cũng đến xin”.

Nguyễn Thị Xuyên khai: “Các khoa đến gặp ai thì xin người đó. Bản thân tôi, ai đến xin thì tôi cho. Xem trong sổ thì thống kê tôi đã cho 18 phiếu. Tôi biết làm sai nhưng do nể nang đồng nghiệp mà tôi cho. Cái này là do tôi tự làm chứ không theo chỉ đạo của ai cả. Tôi nghĩ đơn giản là xin giấy khám sức khỏe thôi nên không ảnh hưởng gì”.

Nguyễn Đồng Sơn: “Tôi làm theo chỉ đạo của Phan Thị Oanh và Vương Thị Kim Thành. Các trường hợp làm đều là theo chỉ đạo. Các khoa đến xin, lúc thì trưởng khoa, lúc thì kỹ thuật viên trưởng chỉ đạo tôi in khống kết quả. Tôi biết là sai nhưng tôi chỉ là nhân viên hợp đồng nên phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo phòng”.

Nguyễn Thị Nhung khai, quá trình làm việc hàng ngày theo chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh.

Nguyễn Thị Thu Trang khai không nhớ đã in khống bao nhiêu, nhưng theo sổ sách lưu trữ tại bệnh viện thì đã in khống 188 phiếu. “Kỹ thuật viên trưởng nói ai đến xin thì cho. Lãnh đạo biết nhưng không ai nói gì”- Trang nói.

Các bị cáo đều khai đều là nhân viên hợp đồng, biết là sai nhưng vẫn phải làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Những trường hợp nhân bản đều là người quen, bệnh nhẹ?

Nguyên trưởng khoa xét nghiệm Vương Kim Thành khai: “Những trường hợp in khống là những bệnh nhân mắc nhẹ như ho, sốt, viêm họng… đến bệnh viện rất nhiều, họ cũng đã làm các xét nghiệm huyết học rồi và không muốn làm lại”.

Thành nói thêm, biết là sai nhưng do nể nang đồng nghiệp nên vẫn làm. Thành cho rằng lời khai của Sơn là không đúng, bị cáo không trực tiếp chỉ đạo các nhân viên, kỹ thuật viên của khoa in khống các kết quả xét nghiệm.

“Bị cáo khai không chỉ đạo trực tiếp nhưng bản thân bị cáo cũng trực tiếp in 18 kết quả. Bị cáo là lãnh đạo khoa còn in như vậy thì tại sao nhân viên không làm theo?”- chủ tọa truy.

“Lúc in chỉ có một mình tôi trong phòng thôi ạ”- Thành đáp.

“Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã khai từng lấy mẫu của một bệnh nhân 57 tuổi để đưa vào kết quả của một bệnh nhân hai tuổi”- chủ tọa hỏi.

“Đấy là trường hợp bệnh nhân là người nhà của bị cáo. Họ nói cháu bé sợ đau. Bị cáo nể nang nên cho”- Thành trả lời.

“Trường hợp xét nghiệm này có theo chỉ định của bác sỹ không?” - hội thẩm nhân dân hỏi.

“Có”- Thành đáp.

“Nếu căn cứ theo kết quả này mà cho thuốc thì có nguy hiểm không?”- tòa hỏi.

“Cháu bé đó chỉ bị viêm đường hô hấp thôi”- Thành trả lời.

“Có nguy hiểm không?”- tòa truy tiếp.

“Có”- Thành lí nhí đáp.

"Cáo trạng quá nặng với chúng tôi"

Nguyên Phó Giám đốc BV ĐK Hoài Đức Nguyễn Thị Nhiên: Cáo trạng quá nặng đối với chúng tôi.

“Là lãnh đạo, bị cáo có biết sai phạm của khoa xét nghiệm không?”- chủ tọa hỏi.

“Trong các văn bản kiểm tra hoạt động của khoa tôi thấy có một số bất cập như quy trình chưa đầy đủ nên tôi đã báo cáo đề xuất với Giám đốc Bệnh viện. Tôi chỉ là người giúp việc của Giám đốc thôi”- Nhiên đáp.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trí Liêm: Cáo trạng truy tố tôi không thỏa đáng.

“Không đúng ở điểm nào?”- chủ tọa hỏi.

“Tôi đã làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, không thiếu trách nhiệm”.

Bị cáo Liêm cũng thừa nhận, giám đốc Bệnh viện có nhiệm vụ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, nắm bắt các hoạt động của bệnh viện, kiểm tra giám sát các hoạt động đó…

Vụ nhân bản xét nghiệm: Cảnh cáo giám đốc, cao nhất một năm tù ảnh 3
Nguyên giám đốc BV  Hoài Đức nói mình đã làm hết trách nhiệm. Ảnh: Đ.Minh
 

“Bị cáo có thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động của các khoa phòng hay không?”.

“Chúng tôi vẫn thành lập các tổ kiểm tra thường xuyên định kỳ hoặc đột xuất. Nhưng khi kiểm tra không phát hiện ra được sai phạm như cáo trạng đã nêu”.

“Anh làm công tác quản lý thì quản lý gì, có quản lý chuyên môn không?”.

“Có”.

“Tại sao quản lý lại không biết, như thế là quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm…”- hội thẩm nhân dân nói.

 “Việc làm của các nhân viên khoa xét nghiệm là sai so với quy định. Nhưng tôi không biết. Chúng tôi đã quản lý hết khả năng của chúng tôi rồi. Việc của khoa xét nghiệm chúng tôi không biết và không thể biết vì họ giấu… Sau khi có đơn thực chúng tôi đã tiến hành kiểm tra rà soát lại xem thực hư ra sao, từ đó mới phát hiện ra được toàn bộ sự việc”.

Bị cáo Liêm nói thêm: “Khi được giao nhiệm vụ, tôi luôn tâm niệm đem hết khả năng của mình làm tốt nhất việc lãnh đạo bệnh viện. Việc làm sai của một số nhân viên khoa xét nghiệm trước hết thuộc về các khoa phòng. Đối với Giám đốc, trách nhiệm ở đây là trách nhiệm hành chính còn không phải trách nhiệm hình sự”.

Nhân viên dược, điều dưỡng cũng được giao làm xét nghiệm

Phan Thị Oanh (người tham gia tố cáo, được miễn TNHS) khai, hàng ngày tôi làm việc theo sự chỉ đạo của trưởng khoa. Tôi không chỉ đạo cho các bị cáo in khống kết quả. Bản thân tôi đã in khống 18 kết quả, do trưởng khoa nói in cho các khoa khác để hoàn thiện hồ sơ.

Hoàng Thị Nguyệt (người đứng đơn tố cáo): Tôi chưa từng thực hiện việc in khống này. Quá trình làm chuyên môn chúng tôi phát hiện ra có sự phân công công việc bất hợp lý. Giám đốc Liêm tách bộ phận xét nghiệm thành hai phòng, tôi được giao nhiệm vụ làm ở khu vực nội trú. Bất hợp lý ở chỗ, các kỹ thuật viên hợp đồng lại được giao làm việc ở khu ngoại trú, nơi rất đông bệnh nhân. Tại đây, thậm chí các cháu điều dưỡng, các cháu dược… cũng được giao làm các xét nghiệm.

Ngay khi giám đốc chuyển bộ phận xuống chúng tôi đã có ý kiến ngay rằng các cháu không thể đảm đương được công việc, trong các lần giao ban chúng tôi đều liên tục có ý kiến và trực tiếp có ý kiến với đồng chí Liêm rất nhiều”.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có nghe lời khai của chị Nguyệt không?”

“Chưa bao giờ có việc báo cáo đó”- bị cáo Liêm.

BV đã khắc phục hậu quả

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên: “Đây là bài học lớn của ngành, đồng thời chúng tôi thấy mọi người phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này. Có điều về nhận thức của các bị cáo ở đây rất ấu trĩ, mơ hồ nên đã vi phạm như vậy…”.
Đại diện Bệnh viện Hoài Đức cho  biết: Số tiền BV có được do các bị cáo in khống kết quả xét nghiệm, BV có trách nhiệm khắc phục hậu quả nên đã chuyển trả toàn bộ số tiền hơn 16,5 triệu đồng cho bảo hiểm. “ Số tiền các nhân viên gây ra không lớn. qua điều tra 600 bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm này không được sử dụng để điều trị bệnh nhân nên chưa gây ra hậu quả gì… mong HĐXX khoan hồng cho các bị cáo để bệnh viện ổn định tư tưởng làm việc”- vị này nói thêm.


 

Vụ nhân bản xét nghiệm: Cảnh cáo giám đốc, cao nhất một năm tù ảnh 4

Chị Nguyệt - người đưa ra ánh sáng vụ nhân bản xét nghiệm

Như Pháp luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 5-6-2013, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội nhận được đơn của một số nhân viên công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, tố cáo Giám đốc Bệnh viện khi đó là Nguyễn Trí Liêm đã để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ, đồng thời “nhân bản” kết quả từ một mẫu trả cho nhiều người bệnh.

Kết quả điều tra cho thấy, trên 1.500 kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau, trong đó gần 800 kết quả được lập khống để thanh toán bảo hiểm xã hội, với số tiền hơn 16,5 triệu đồng. Cơ quan điều tra cho rằng tuy hậu quả vật chất do các cá nhân trên gây ra không lớn nhưng hậu quả phi vật chất là rất lớn. Đây là việc làm vi phạm y đức, trái đạo đức và quy định của nghề nghiệp, gây bức xúc dư luận và làm xói mòn lòng tin của người dân vào ngành y. 

ĐỨC MINH

Chín bị cáo:

1.      Vương Thị Kim Thành (SN 1959), Trưởng khoa Xét nghiệm

2.      Nguyễn Thị Ngà (1984),  kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm

3.      Nguyễn Thị Thu Trang (1990), kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm

4.      Nguyễn Thị Hồng Nhung (1990),  kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm

5.      Vương Thị Lan (1988), nhân viên khoa Xét nghiệm

6.      Nguyễn Đồng Sơn (1989), nhân viên khoa Xét nghiệm

7.      Nguyễn Thị Xuyên (1961), kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm

8.      Nguyễn Thị Nhiên (1959), Phó giám đốc BV ĐK Hoài Đức

9.      Nguyễn Trí Liêm (1962), Giám đốc BVĐK Hoài Đức

Nhân chứng: Phan Thị Nam Đông, Hoàng Thị Nguyệt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Phan Thị Oanh

Nguyễn Thị Tám, đại diện bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội

Trần Quang Ánh, đại diện bảo hiểm xã hội Hoài Đức

Nguyễn Văn Yên, Phó giám đốc Sở  Y tế Hà Nội

Thẩm phán: Nguyễn Bích Ngân


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm