Vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép: Tỉnh Phú Yên nhận trách nhiệm

Chiều 7-6, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh này về việc người Trung Quốc nuôi cá trái phép ở Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Các cơ quan đều nhận sai

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau cuộc họp, ông Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Kết luận cuộc họp, chủ tịch tỉnh cảm ơn báo chí đã phản ánh tình trạng nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô, trong đó có người nước ngoài hoạt động không đúng quy định trong thời gian dài. Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận khuyết điểm trước nhân dân vì thiếu kiểm tra, đôn đốc, để xảy ra sai sót trong thời gian dài”.

Theo ông Tiến, tất cả lãnh đạo các ngành, cơ quan liên quan dự họp như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng, công an, các sở NN&PTNT, TN&MT, LĐ-TB&XH, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Đông Hòa… đều nhận trách nhiệm nghiêm túc.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên thừa nhận: Việc Phòng Hậu cần cho Công ty TNHH Thuận Hoàng thuê 2 ha mặt nước do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên quản lý tại Vũng Rô để nuôi cá có sự tham gia của người Trung Quốc từ năm 2009 đến nay là sai hoàn toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ kiểm điểm nghiêm túc từng cá nhân liên quan đến việc cho thuê mặt nước này.

Vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép: Tỉnh Phú Yên nhận trách nhiệm ảnh 1

Khu bè cá của Công ty TNHH Thuận Hoàng đang có người Trung Quốc làm việc. Ảnh: TẤN LỘC

Bộ đội biên phòng Phú Yên đã không kiểm tra, phát hiện việc người nước ngoài làm việc trái pháp luật tại Vũng Rô. Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã để hàng trăm hộ gia đình, doanh nghiệp tổ chức nuôi thủy sản trên vùng biển không được phép; Sở TN&MT không kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục cho thuê mặt nước. Sở LĐ-TB&XH đã để nhiều người nước ngoài đến làm việc tại Vũng Rô mà không thực hiện các thủ tục đăng ký lao động. Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp nuôi thủy sản tại Vũng Rô, trong khi các doanh nghiệp này không hề có dự án đầu tư, trong vùng không được nuôi thủy sản. Công an tỉnh Phú Yên cũng thiếu sót, không kiểm tra, phát hiện kịp thời những người Trung Quốc đến Vũng Rô làm việc trái phép. “Với tư cách chánh Văn phòng UBND tỉnh, tôi đã nhận trách nhiệm nghiêm túc khi để xảy ra sai sót trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ký các thông báo cho phép người Trung Quốc đến Vũng Rô thời gian qua. Phòng Ngoại vụ đã dựa vào một số văn bản không có cơ sở pháp lý để ra các văn bản đồng ý cho phép các doanh nghiệp làm việc với người nước ngoài khi chưa có ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Đây là việc làm không đúng, khập khễnh. Chúng tôi sẽ kiểm điểm tất cả cán bộ liên quan đến việc này” - ông Tiến nói.

Tổng kiểm tra hoạt động nuôi thủy sản

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Đông Hòa cũng thừa nhận đã buông lỏng quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. “Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả cơ quan liên quan phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo, cá nhân liên quan, báo cáo về UBND tỉnh” - ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến, đến nay trên địa bàn Phú Yên chỉ còn hai người Trung Quốc đang nuôi thủy sản tại Công ty TNHH Thuận Hoàng và DNTT Vĩnh Tín. UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra ngay những trường hợp này, nếu không đầy đủ các thủ tục sẽ đề nghị trục xuất về nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên chấm dứt ngay hợp đồng với Công ty TNHH Thuận Hoàng, xử lý toàn bộ các tồn tại ở khu vực này. “Tỉnh sẽ duy trì đoàn thanh tra để tiếp tục kiểm tra, lập biên tất cả doanh nghiệp, hộ gia đình đang nuôi thủy sản tại Vũng Rô, trình UBND tỉnh xem xét, xử lý từng trường hợp. Sau đó, đoàn thanh tra sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó chú ý các doanh nghiệp có người nước ngoài” - ông Tiến nói.

Cấp phép nuôi cá ở vịnh Cam Ranh là đúng luật?

Liên quan việc Công ty Song Phong nuôi cá trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) có giấy phép neo đậu của Cảng vụ Nha Trang (cấp ngày 24-9-2002), ngày 7-6, ông Trần Đức Thi, Phó Giám đốc Cảng vụ Nha Trang, cho biết: “Giấy phép này chúng tôi cấp đúng pháp luật”.

Về chuyện tháng 11-2006, Chi cục Bảo vệ NLTS tỉnh Khánh Hòa phê duyệt cho Song Phong đủ điều kiện nuôi cá giống trên vùng biển thuộc Cảng Ba Ngòi, ông Trương Tấn Bản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cũng nói Chi cục ký duyệt cho Công ty Song Phong cũng đúng luật.

Với câu hỏi Song Phong chỉ có giấy phép neo đậu chứ không có giấy phép kinh doanh mặt biển, tại sao Chi cục vẫn cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn nuôi cá cho họ, ông Bản nói “sẽ kiểm tra và trả lời sau”.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, quy trình để cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn nuôi cá phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó phải có giấy phép kinh doanh mặt nước.

Công ty Song Phong không có giấy phép này nhưng Sở NN&PTNT vẫn cho là cấp phép đúng?

LÊ XUÂN

Tỉnh Phú Yên sẽ có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra, xem xét việc Tổng cục Thủy sản cấp phép cho tàu Việt Điện Bạch của Trung Quốc được đi vào vùng biển của Việt Nam để mua hải sản. Việc tàu này vào sâu trong các vùng biển Việt Nam mua trực tiếp hải sản khiến các cơ quan chức năng khó quản lý, làm thất thoát nguồn thu từ mua bán hải sản.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm