Vụ “Nghi án oan quận Bình Thạnh”: Chưa đủ căn cứ buộc tội

Theo quy định của Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Như vậy, việc cơ quan điều tra, VKS chỉ căn cứ vào lời khai của một nhân chứng để buộc tội Tuấn là chưa đảm bảo nguyên tắc toàn diện, khách quan trong vụ án. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong vụ án này như nguyên nhân vụ việc, thái độ ban đầu của các bên, các công cụ, phương tiện các bên đã sử dụng…, đồng thời thương tích của các bên cũng cần phải được giám định để xác định hung khí được sử dụng như thế nào…

Mặt khác, khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: “Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Chứng cứ trong vụ án này là chưa đủ để có thể giải quyết, kết luận. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định của TAND quận Bình Thạnh là trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vì chưa đủ căn cứ buộc tội. Không thể căn cứ vào việc Tuấn đã từng có hành vi gây rối trật tự công cộng để khẳng định trong vụ án này Tuấn đã gây rối trật tự công cộng vì đó là hai vấn đề khác nhau. Nếu cơ quan điều tra không thể tìm ra được một chứng cứ nào khác để buộc tội Tuấn thì thực hiện theo khoản 6 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra”. Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu: “Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm