Vụ MobiFone-AVG: Biết ‘rất xấu’ vẫn mua giá cao

Như chúng tôi đã đưa tin, trong thông báo kết luận thanh tra về dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ cho hay việc chuyển nhượng này cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

Liên tục lỗ nhưng vẫn báo cáo lãi

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là “rất khó khăn”, “rất xấu”.

Theo đó, tại thời điểm 31-3-2015, tổng tài sản của AVG là 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả gần 1.267 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,6 tỉ đồng. Đặc biệt, từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến 31-3-2015 gần 1.633 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ TT&TT phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG.

Thậm chí, theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, MobiFone còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG như sau: “Từ năm 2012 đến 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng...”.

Điều này Thanh tra Chính phủ cho là đã vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, về hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, điều khoản này cấm “cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật”.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ  cho thấy thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG  từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là “rất khó khăn”, “rất xấu”. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chưa dừng lại, Thanh tra Chính phủ còn xác định MobiFone làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG.

Trong đó, MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX để xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng để đàm phán giá mua cổ phần. Tuy nhiên, con số này không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định “giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỉ đồng”.

Kết quả, MobiFone mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỉ đồng trong khi giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chỉ là 1.983 tỉ đồng, cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại vốn của Nhà nước 7.006 tỉ đồng.

Điều đáng nói là dù với tình hình trên nhưng tổ thẩm định dự án vẫn sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TT&TT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD. Từ đó, họ cho rằng so với mức giá này, giá mua trên đã thấp hơn khoảng 7.000 tỉ đồng so với mức giá thấp nhất do tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG định bán cho đối tác nước ngoài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối tháng 6-2016, Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ khẳng định trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình MobiFone được thực hiện một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật.

N.ĐỨC

Mua AVG khiến MobiFone sụt giảm kinh doanh

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định khi lựa chọn phương án đầu tư, MobiFone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn về phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư.

Trong lập dự án đầu tư, MobiFone nhận thức rõ hai vấn đề cốt lõi là giá mua cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư; khi tính toán hiệu quả đầu tư dự án giai đoạn 2015-2020 đã dự báo số lượng phát triển thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu, giá vốn, chi phí lãi vay, lợi nhuận… chủ yếu dựa trên các giả định, thiếu khả thi.

Công ty này cũng nhận thức rõ và định lượng được hậu quả, nguy cơ gây hậu quả nếu thực hiện đầu tư dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông; lợi nhuận kinh doanh và số nộp ngân sách nhà nước sụt giảm…

Vậy nhưng khi lập dự án đầu tư, MobiFone lại đánh giá: “Phương án mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu là vượt trội hơn so với phương án MobiFone tự đầu tư”.

Kết luận thanh tra nêu rõ MobiFone vẫn lập, trình Bộ TT&TT phê duyệt dự án đã thể hiện thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

“Việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng; số lỗ lũy kế đến 31-12-2017 là 1.982 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa MobiFone” - kết luận thanh tra nêu.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm của các khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về HĐTV, ban tổng giám đốc, kế toán trưởng và các bộ phận liên quan của MobiFone.

Cần thu hồi tài sản và xử lý cán bộ sai phạm

Việc đầu tiên cần kíp lúc này là phải thu hồi tài sản của Nhà nước mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Thứ hai, xử lý tất cả cán bộ sai phạm nếu phát hiện đã tham gia hoặc tiếp tay cho thương vụ này.

Đồng thời cần kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước. Không để một số người “chạy chọt” hoặc tham gia nhóm lợi ích lọt vào phá hoại, tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG,  Ủy viên Thường trực Ủy ban  Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

N.ĐỨC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm