Vụ Formosa: Cuối tháng 9, Thủ tướng ký quyết định phân bổ mức bồi thường

Chiều nay (31-8), Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà…

Vụ Formosa: Cuối tháng 9, Thủ tướng ký quyết định phân bổ mức bồi thường ảnh 1
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016. Ảnh: THU NGUYỆT

Trả lời câu hỏi của PV báo Tuổi Trẻ về kết quả điều tra ban đầu vụ dùng súng giết người tại Yên Bái đã xác định được nguyên nhân chưa? Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói: Liên quan đến sự việc ở Yên Bái, sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng như thị sát tình hình. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có thông báo, trước hết là ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giao Bộ Công an điều tra vụ án để xác định nguyên nhân việc cấp dưới dùng súng giết hại cấp trên.

Hiện nay Bộ Công an đã khởi tố vụ án, đang tiến hành điều tra. Hiện chưa có đủ điều kiện để CQĐT tìm ra nguyên nhân vụ án.

Các nước vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp rác thải nhưng... 

. Zing.vn: Cư dân phía nam liên tục phản ánh bị tra tấn bởi mùi hôi, nghi ngờ do Khu liên hiệp xử lý rác thải tại Đa Phước. TP.HCM đã báo cáo Chính phủ về hiện trạng này. Chính phủ chỉ đạo gì về việc này?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xử lý rác tại Đa Phước sử dụng công nghệ lạc hậu (sử dụng công nghệ chôn lấp, giá thành lại cao…). Cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp với quy hoạch phát triển của TP.HCM. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về vấn đề nói trên?

+ Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các mùi hôi gây khó khăn cho dân cư ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7. Chúng tôi được biết UBND TP.HCM, đặc biệt là Sở TN&MT đã trực tiếp tiến hành khảo sát, kiểm tra. Theo ý kiến ban đầu, Sở nhận định nguyên nhân chính là do khu xử lý rác thải Đa Phước, ngoài ra còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn Xanh gây ô nhiễm về không khí.

Sở TN&MT đang xem xét, có đánh giá kỹ, đặc biệt là về công nghệ xử lý rác thải của Công ty Môi trường Đa Phước. Hiện nay ở đây việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp với quy trình công nghệ, quy chuẩn đã được áp dụng ở Mỹ.

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước rác chưa hoàn thành, ví dụ cần có bể chứa… Quá trình xử lý rác liên quan đến quy trình nhận rác, sử dụng các chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi…

“Những vấn đề này, chúng tôi đang giao cho Sở TN&MT trực tiếp kiểm tra và đề xuất hướng xử lý” - ông Hà nói. Cũng theo ông Hà, việc xử lý rác thải dưới hình thức chôn lấp đang được nhiều nước sử dụng. Trong điều kiện đất đai không có nhiều thì giải pháp công nghệ chôn lấp là giải pháp trước mắt, được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay.

Về bài toán quy hoạch, trước đây việc bố trí này có vẻ hợp lý nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay thì bài toán về phát triển của TP.HCM, bài toán về xử lý rác thải cần phải tính toán quy hoạch theo vùng, cần tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Bài toán lâu dài, quan trọng ở chỗ cần áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại như thiêu, đốt…

Điều tra PVC thua lỗ thời ông Trịnh Xuân Thanh 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan cần điều tra, làm rõ việc thua lỗ tại PVC do ông Thanh lúc đó làm tổng giám đốc. Liên quan đến việc thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ việc thuyên chuyển đối với ông Thanh.

Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao rà soát toàn bộ quy trình, đến nay chưa có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, các cơ quan của Đảng, các cơ quan pháp luật đã vào cuộc hết sức đồng bộ. Việc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là kiên quyết chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm, ngay cả trong việc thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, trong việc sử dụng tài sản, tiền của của nhân dân… Sau này có báo cáo chính thức từ Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí.

Cuối tháng 9 phân bổ mức bồi thường 

Về vấn đề bồi thường Formosa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Theo phân công, Bộ NN&PTNT đã triển khai hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại cũng như tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho đối tượng bị thiệt hại…
Ngày 12-8-2016, ngay sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ đã tổ chức những đoàn công tác xuống từng địa phương để lắng nghe góp ý về việc lập các biểu mẫu kê khai thiệt hại… Bộ đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các địa phương tại Thừa Thiên-Huế, các tỉnh nhất trí cao với hướng dẫn này. Tuy nhiên, việc triển khai các bước tiến hành có nhiều thủ tục nên các địa phương đề nghị kéo dài thêm năm ngày nữa, đến 15-9 các địa phương mới có thể báo cáo về tổng hợp thiệt hại của các địa phương, để từ đó Chính phủ có quyết định phân bổ kinh phí bồi thường.
“Làm sao để cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ có thể ký quyết định phân bổ kinh phí bồi thường cho các địa phương. Còn việc triển khai bồi thường, hỗ trợ cho người dân và các tổ chức bị thiệt hại sẽ được tiến hành sau đó” - ông Tám nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, có rất nhiều quy trình, thủ tục bắt buộc nên dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, các địa phương triển khai rất quyết liệt nhưng có những vấn đề chúng ta chưa lường trước được. “Vấn đề quan trọng không phải là nhanh hay chậm mà làm sao bảo đảm những tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân trực tiếp bị thiệt hại do môi trường biển phải được kê khai và xác định là không bỏ sót đối tượng nào. Và những thiệt hại phải được đền bù, hỗ trợ theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch” - ông Tám nói.

Vụ Formosa: Cuối tháng 9, Thủ tướng ký quyết định phân bổ mức bồi thường ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Liên quan đến việc xử lý gần 4.000 tấn cá tồn đọng đang được trữ tại các kho lạnh sau sự cố thủy, hải sản chết hàng loạt ở miền Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT ban hành hành hướng dẫn cho tất cả bốn tỉnh miền Trung. Nguyên tắc của Bộ Y tế là phải đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu.
"Chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan liên quan phải phân lô tất cả lô cá, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ lấy mẫu của tất cả lô cá. Các lô này được lấy mẫu xong sẽ chuyển về hai phòng xét nghiệm thuộc cấp quốc gia của Bộ Y tế để xét nghiệm. Tinh thần là chỉ cho phép lưu hành những lô cá nào được xác nhận là an toàn. Những lô không được xác định là an toàn sẽ phải tiêu hủy hoặc đền bù theo quy định" - ông Long nói. 
----------------------------------------------------
Trước đó, trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.
Đáng chú ý, về vấn đề xác minh làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến những thua lỗ của Tổng Công ty Dầu khí trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ông Dũng cho biết vụ việc này Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam;
Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC giai đoạn 2008-2013, trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án; kiểm tra, kết luận rõ đúng sai việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
“Hiện nay các bộ, cơ quan đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Liên quan đến sai phạm nghiêm trọng tại công trình xây dựng số 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), (kể từ khi phát hiện sai phạm đến nay đã 10 tháng trôi qua nhưng việc phá dỡ phần xây dựng trái phép vẫn chưa hoàn thành, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, gây bức xúc dư luận) ông Mai Tiến Dũng cho biết: UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ phá dỡ như thay nhà thầu, thành lập tổ công tác theo dõi, giám sát việc cưỡng chế, thẩm định, phê duyệt phương án, lựa chọn nhà thầu phá dỡ, nhà thầu tư vấn giám sát, tạm ứng ngân sách thực hiện, đồng thời có biện pháp hành chính cương quyết đối với chủ đầu tư.

"Đến nay đã phá dỡ xong toàn bộ sàn tầng 19 (giai đoạn 1), trước ngày 30-9-2016 sẽ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn 2 trình thẩm định” - thông cáo cho biết.

Để tăng cường việc chỉ đạo xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, ngày 19-8, UBND TP.Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm