Vụ đường dây xăng giả 'khủng': Có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay

“Từ đầu tháng 2-2021, báo chí cũng như dư luận rất quan tâm đến vụ án mua bán xăng dầu giả ở Đồng Nai. Đặc biệt, trong cuộc họp ngày 18-3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…”.

Ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết như trên trong cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra vào chiều 31-3.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, ngày 8-2, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án về các hành vi "buôn lậu", "sản xuất, buôn bán hàng giả", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an. Ảnh: ĐỨC MINH

Quá trình điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và bảo kê tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả.

Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố hơn 52 bị can về tội buôn lậu, một bị can về tội nhận hối lộ. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thuỷ, 10 xe bồn, 13 xe ô tô, hàng triệu lít xăng và hoá chất pha chế xăng giả, trên 123 tỉ đồng, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan công an cũng đã niêm phong nhiều bến thuỷ nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng; phong toả, kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng với số tiền phong toả trên 200 tỉ đồng.

“Vụ án cho thấy hoạt động buôn lậu đã diễn ra từ lâu, trên quy mô rộng, với thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia của một số cá nhân, tổ chức trong hệ thống, nói cách khác là có sự bảo kê, nên rất khó khăn”- ông Tô Ân Xô nói và cho biết chính vì vậy, khi phát hiện vi phạm, công an Đồng Nai phát hiện có dấu hiệu vi phạm đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.

Bộ trưởng Công an và Thứ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra đã trực tiếp chỉ đạo vụ án trên.

“Để đánh án vụ này, Bộ đã cử một đồng chí Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, người có hàng chục năm đánh án phía Tây Bắc, mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, tham gia đánh án. Kết quả là đã thành công. Còn nếu không các đối tượng sẽ tiêu huỷ chứng cứ. Thậm chí các đối tượng đã có thủ đoạn chống lại cơ quan điều tra. Hoặc việc đưa hối lộ với thủ đoạn rất tinh vi. Các hoạt động hối lộ mang tính “chuyên sâu nghiệp vụ”. Hối lộ không gặp trực tiếp mà quy định đưa tiền hàng tháng đến địa điểm bí mật để người khác đến nhận, hoặc chuyển tiền vào tài khoản thông nhau”- ông Tô Ân Xô nói.

Ngày 17-2, công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thuỵ, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan về tội nhận hối lộ.

“Đây là đầu mối trong hệ thống, hiện nay mở rộng có liên quan đến rất nhiều đối tượng tham gia mua bán xăng dầu giả này. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trên địa bàn nhiều tỉnh”- ông Tô Ân Xô khẳng định.

Trước đó, ngày 6-2 Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triển khai 14 tổ công tác, huy động trên 500 cán bộ chiến sĩ khám xét khẩn cấp các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, TP.HCM.

Theo Công an Đồng Nai, mỗi ngày các đối tượng cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Bước đầu, nhóm này khai từ tháng 8-2020 đến nay đã cung cấp ra thị trường 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

Hiện Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 33 người trong đường dây buôn lậu, pha chế 2,7 triệu lít xăng xảy ra tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành phía Nam. Trong đó người cầm đầu được xác định là Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm