Vụ “chín người bị giam từ chứng cứ mù mờ”: Đình chỉ điều tra cả chín bị can

Liên quan đến vụ “chín người bị giam từ chứng cứ mù mờ”, (báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh) ngày 1-8, VKSND huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với chín bị can vì không đủ chứng cứ chứng minh hành vi cướp tài sản và cướp giật tài sản. Quyết định này cũng yêu cầu UBND địa phương nơi các bị can cư trú phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho họ trong thời gian khởi tố.

Vụ “chín người bị giam từ chứng cứ mù mờ”: Đình chỉ điều tra cả chín bị can ảnh 1

Các thanh niên này đã thoát khỏi thân phận bị can. Ảnh: N.ĐỨC

Bắt giam vội vàng

Theo hồ sơ, trong hai ngày 27 và 28-12-2008, chín thanh niên: Nguyễn Văn Hùng, Phan Văn Thương, Nguyễn Như Tùng, Đỗ Văn Đại, Lê Văn Huy, Lương Văn Sang, Lương Văn Hận, Lương Văn Trọng, Trương Quang Lâm bị Công an huyện Đồng Phú bắt khẩn cấp vì nghi họ đã gây ra các vụ cướp. Sau khi tạm giam họ hơn một năm, tháng 1-2010, VKSND huyện Đồng Phú cho sáu người tại ngoại.

Các bị can liên tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng từ địa phương đến trung ương kêu oan, tố cáo cán bộ điều tra bức cung, nhục hình. VKS tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Đồng Phú báo cáo vụ việc. Tháng 12-2010, ba người bị tạm giam còn lại cũng được cho tại ngoại.

Trong kết luận điều tra lần đầu (tháng 7-2009), Công an huyện Đồng Phú cho rằng chín người này đã thực hiện hai vụ cướp xe máy nhưng không xác định ai là nạn nhân. Bốn vụ cướp giật khác, công an cũng không xác định được nạn nhân. Công an cũng không xác định chín bị can dùng phương tiện gì để gây án, không xác định đôi dép trong một vụ cướp tài sản mà bọn cướp bỏ lại hiện trường là của ai…

Bị can Trọng bị công an quy kết đã thực hiện vụ cướp giật vào rạng sáng 25-12-2008. Tuy nhiên, từ ngày 2-11-2008 đến 25-1-2009, Trọng ở nhà thầy dạy cắt tóc của mình tại Bình Dương (việc này đã được VKS huyện Đồng Phú xác minh). Thế nhưng trong kết luận điều tra, công an vẫn khẳng định một bị can đã chở Trọng đi cướp giật tài sản vào ngày 18-11-2008 và rạng sáng 25-12-2008.

Nhiều lần điều tra lại vẫn bế tắc

Do có quá nhiều điểm sơ hở nên VKS huyện Đồng Phú đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những tình tiết chưa thống nhất trong lời khai của nhân chứng; chứng cứ ngoại phạm của các bị can; thực nghiệm điều tra…

Bốn tháng sau, hồ sơ đến VKS. Một lần nữa, VKS huyện tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 18-9-2009, VKS huyện Đồng Phú lại có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ các mâu thuẫn của vụ án, làm rõ chứng cứ buộc tội và gỡ tội.

Sau nhiều lần yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung nhưng vẫn không đủ chứng cứ, ngày 24-2-2010, VKS huyện Đồng Phú đã ra cáo trạng, chuyển vụ án đến TAND huyện đề nghị xét xử chín bị can về hai tội cướp tài sản, cướp giật tài sản.

Sau đó, TAND huyện lại trả hồ sơ cho VKS vì có nhiều vi phạm nghiêm trọng: Không xác định được nạn nhân, không xác định được vật chứng cũng như không có vật chứng, lời khai giữa các bị can mâu thuẫn, biên bản hiện trường không phù hợp thực tế...

Sẽ họp để phân định trách nhiệm bồi thường oan

Đến nay, chín thanh niên đã được xác định là không phạm tội. Một vấn đề cần đặt ra: Cơ quan nào phải bồi thường oan cho họ?

Trung tá Dương Văn Mạnh, Trưởng Công an huyện Đồng Phú, nói: “Trong vụ án này, VKS đã có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, đã có cáo trạng truy tố ra tòa nên trách nhiệm bồi thường không thuộc về cơ quan điều tra”.

Chiều 3-8, ông Hoàng Phước Nhân, Phó Viện trưởng VKS huyện Đồng Phú, cho biết: “Chuyện bồi thường oan, chúng tôi sẽ họp liên ngành để phân định rõ trách nhiệm rồi mới có phương án bồi thường”.

Những người mẹ kêu oan

Khi bị bắt các bị can đều còn rất trẻ hai người nhỏ nhất là Hùng và Hân mới 15 tuổi, hai người lớn chỉ mới 21 tuổi. Các bà mẹ của chín bị can đã nghẹn ngào báo tin ngay cho chúng tôi khi con mình được đình chỉ điều tra.

Bà Phạm Thị Hoa, mẹ của Trương Quang Lâm, đã phải chạy ngược xuôi đem đơn kêu oan cho con ròng rã cả 1.000 ngày. Nhiều lần người mẹ gầy nhom ấy còn lặn lội ra tận Hà Nội để kêu cứu. Từ khi được cho tại ngoại, Lâm lúc tỉnh, lúc lơ ngơ khiến gia đình bà càng thêm lo sợ. Trước đây, lúc bị tạm giam, Lâm đã hai lần tự tử không thành. Bà Hoa bảo bà sẽ đưa Lâm đi giám định tâm thần, xác định mức thiệt hại để yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường.

Hai năm trước, bà Nguyễn Thị Tú, mẹ của Nguyễn Như Tùng, vì xót con mình nhỏ dại đã từng viết đơn khẩn thiết xin tòa nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử. “Nếu con tôi và các bị can khác không có tội, cần phải được các cơ quan luật pháp trả tự do, khôi phục các quyền lợi hợp pháp. Tuổi xuân của mỗi con người không dài” - bà ngậm ngùi...

Từ ngày Phan Văn Thương bị bắt, người cha thương binh nhiễm chất độc da cam bệnh tình ngày càng nặng vì lo nghĩ. Giờ Thương chính thức thoát vòng tố tụng, bà Lê Thị Hoan mừng rơi nước mắt vì hình dung tới cảnh con mình đi xin việc sẽ dễ dàng hơn để lo cho tương lai.

Trong khi chồng ở nhà lo mưu sinh, họ - những người mẹ - mỗi người một cách lặn lội kêu oan cho con. Những tháng ngày sắp tới, chúng tôi chỉ mong rằng họ sẽ không còn phải tất tả ngược xuôi chờ đợi một lời xin lỗi công khai, một sự dũng cảm, thẳng thắn nhận trách nhiệm từ phía cơ quan đã làm oan con họ.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm