Vụ cao ốc 8B Lê Trực: Họp kỷ luật cán bộ và cưỡng chế cắt ngọn tòa nhà

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục vừa trao đổi với Pháp Luật TP.HCMnhư trên.

Về việc hai cán bộ của Sở liên quan đến sai phạm nay đều đã nghỉ hưu thì chịu hình thức xử lý gì, ông Dục cho hay vấn đề này sẽ được hội đồng kỷ luật của Sở xem xét và Sở sẽ công bố thông tin xử lý sau khi hội đồng họp.

Trước đó, Kết luận số 3017 ngày 10-12-2015 của Thanh tra TP Hà Nội chỉ rất rõ trách nhiệm của hai cán bộ Sở Xây dựng liên quan đến sai phạm: “Khi lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, phòng Quản lý cấp phép của Sở Xây dựng đã không có biên bản kiểm tra hiện trạng. Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; bà Lê Thị Nhung, Trưởng phòng Quản lý cấp phép - Sở Xây dựng (hiện ông Tuấn và bà Nhung đã nghỉ hưu) và ông Lê Văn Đức, chuyên viên phòng Quản lý cấp phép”.

Cũng trong tuần này, Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình sẽ tổ chức họp kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân liên quan để gửi lên chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sẽ đề xuất lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức họp hội đồng kỷ luật xem xét đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân trên.

diễn biến khác, ngày 9-1, ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ những phần công trình tòa nhà 8B Lê Trực vi phạm. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tiến hành cưỡng chế “cắt ngọn” phần vi phạm vẫn chưa được ấn định.

Trước đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã kết luận tòa nhà 8B Lê Trực đã xây dựng chiều cao vượt giấy phép 16 m (tương đương năm tầng)...

Liên quan đến việc xử lý hai cán bộ của Sở Xây dựng Hà Nội (đã nghỉ hưu) có sai phạm tại cao ốc 8B Lê Trực, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho hay: “Người ta nghỉ hưu rồi, anh có đề ra kỷ luật cũng chẳng có giá trị gì cả. Vì các hình thức kỷ luật (theo Luật Cán bộ, công chức) như cảnh cáo, khiển trách… hay buộc thôi việc thì đều không thực hiện được. Cách chức người ta cũng còn chức vụ nữa đâu”.

Theo ĐB Cương, đối với trường hợp trên chỉ có thể kiến nghị tổ chức Đảng xử lý về mặt đảng nếu những cán bộ đã về hưu đó là đảng viên hoặc anh sẽ phải chịu trách nhiệm mặt vật chất do hành vi của anh gây ra. ĐB Cương cũng nhấn mạnh hiện nay theo Nghị định 34/2011 (quy định xử lý kỷ luật công chức), trong đó chỉ duy nhất đề cập đến trường hợp nếu phát hiện sai phạm khi cán bộ, công chức chuẩn bị về hưu thì phải dừng việc nghỉ hưu để xử lý kỷ luật. Còn trường hợp xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hiện nay vẫn “trống” quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm