Vụ ba lần cán người: Liệu có khả năng tài xế bị hoảng loạn?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi quá nhẫn tâm của tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn, gây tai nạn rồi ba lần tiến, lùi xe container dẫn đến hậu quả cán chết người. Thế nhưng việc xác định tội danh và đưa ra phán quyết về hình phạt phải dựa trên những chứng cứ cụ thể, đánh giá đúng bản chất của hành vi phạm tội.

Trong vụ án này, quả thật rất khó xác định động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo. Nếu tài xế có chủ định cố ý giết chết nạn nhân thì quả thật anh ta đã mất hết nhân tính và có thể phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở nào để xác định điều này. Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về các khía cạnh pháp lý, tâm lý của vụ án.

Lỗi cố ý gián tiếp

Tiến sĩ Lê Tiến Châu, nguyên giảng viên khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết đối với trường hợp phạm tội của Tuấn, khi xảy ra tai nạn thì xe đã dừng lại tức việc gây ra tai nạn đã chấm dứt. Sau đó tài xế điều khiển xe tới, lui làm xe cán lên người nạn nhân thì đó là hành vi cố ý nên Tuấn bị truy tố về tội giết người là đúng.

Tuy vậy, về mặt pháp lý, phải xác định lỗi ở đây là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp. Để xác định điều này thì phải xem xét Tuấn có mong muốn hậu quả xảy ra hay không. Muốn vậy, cần phải đánh giá chính xác tâm lý của Tuấn tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Vụ ba lần cán người: Liệu có khả năng tài xế bị hoảng loạn? ảnh 1

Theo hồ sơ vụ án, Tuấn chỉ mới lái xe rơmoóc được khoảng một năm rưỡi. Nếu có thời gian lái xe ngắn, lúc xảy ra tai nạn có đông người la ó và khi vừa xảy ra tai nạn đã có người đến chặn đầu xe ngay thì có thể Tuấn bị hoảng loạn. Có thể vì chưa rành rẽ việc gài số tới, lui và cũng chưa quen việc bị la ó trên nên Tuấn đã cho xe chạy tới, lui nhiều lần. Việc này có thể nằm ngoài ý muốn của Tuấn. Tuy không mong muốn nạn nhân chết nhưng Tuấn vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra để nhằm mục đích chạy thoát. Như vậy, lỗi của Tuấn là lỗi cố ý gián tiếp.

Đồng tình, Thạc sĩ Lê Nguyên Thanh, giảng viên khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM, lưu ý: Nếu Tuấn có tay nghề non yếu và chưa gây tai nạn lần nào thì trong tai nạn trên, có thể Tuấn hoảng loạn thật. Khi đã hoảng loạn, tài xế sẽ không còn đủ bình tĩnh để điều khiển xe theo ý mình hay ý người khác. Cách xử lý khi hoảng loạn cũng không phải ai cũng như ai: có người bỏ xe chạy, cũng có người vẫn tiếp tục ngồi trên xe (có thể vì sợ xuống xe sẽ bị đánh) và lái xe tới, lui nhiều lần để tìm đường chạy tiếp…

Nếu xác định Tuấn không có chủ định giết người, lỗi ở đây chỉ là cố ý gián tiếp thì việc VKSND TP.HCM truy tố và sau đó TAND TP xét xử Tuấn theo khoản 2 Điều 94 BLHS là phù hợp. Bởi không có những tình tiết theo quy định phải truy tố, xét xử ở khoản 1 điều này.

Bảo hiểm đã gánh phần bồi thường

Lâu nay dư luận vẫn râm ran: Nhiều tài xế sau khi gây tai nạn sẽ cố ý cán chết nạn nhân để đỡ phần bồi thường.

Tuy nhiên, theo Thông tư 126 ngày 22-12-2008 của Bộ Tài chính, tất cả chủ xe cơ giới đều phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Với gói bảo hiểm này, khi có sự cố xảy ra, dù lỗi thuộc về phía nào thì các công ty bảo hiểm bồi thường cũng gánh phần bồi thường cho nạn nhân.

Ông Phạm Trường Khê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, cho biết: “Khi có tai nạn xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ liên hệ với chủ xe và nạn nhân để giải quyết việc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp chủ xe có tham gia thêm phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện ở mức cao hơn quy định mà gây thương tích nặng cho nạn nhân, phải chăm lo kéo dài thì công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục cùng với chủ xe giải quyết phần trách nhiệm phát sinh này. Như vậy, khi trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ xe và công ty bảo hiểm thì không có lý do gì để các tài xế lo ngại dẫn đến việc cán chết nạn nhân. Có thể có ít tài xế vì thiếu hiểu biết đã nghĩ vậy và hành động sai lầm nhưng theo tôi, đó chỉ là những trường hợp hết sức cá biệt”.

Khoảng 22 giờ ngày 14-5-2009, trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú (TP.HCM), xe container do Đặng Hữu Anh Tuấn điều khiển va chạm với xe máy do em Hội điều khiển. Tai nạn làm cho Hội ngã vào trục bánh xe sau bên phải của xe container và bị bánh xe hàng thứ tư cán qua đùi. Hội kêu một người đi đường cứu giúp. Lúc này, Tuấn cho xe container dừng lại. Người đi đường đến bế Hội ra khỏi bánh xe nhưng không được do hai đùi của Hội mắc vào bánh xe. Anh này liền cho xe máy lên trước đầu xe container chặn ngang lại và kêu Tuấn lùi xe cứu người. Tuấn và phụ xe không xuống xe và cũng không lùi xe mà cho xe chạy lên phía trước khoảng 2 m đụng vào xe máy của người đi đường làm bánh xe container cán lên người Hội. Thấy nhiều người chạy đến kêu la, Tuấn biết đã gây tai nạn làm chết người nên cho xe lùi lại khoảng 3 m làm xe cán lên Hội lần thứ hai. Liền sau đó, Tuấn đánh tay lái sang trái để tránh xe máy của người đi đường rồi cho xe chạy về phía trước làm bánh xe container cán lên người Hội lần thứ ba.

(Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM)

Cố ý gián tiếp nhẹ tội hơn cố ý trực tiếp

Lỗi cố ý trực tiếp được hiểu là người nào đó cố ý thực hiện hành vi, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Tức là tài xế sau khi biết có người kẹt dưới bánh xe đã cố ý chạy tới, rồi lùi xe với mong muốn giết chết nạn nhân. Còn trong lỗi cố ý gián tiếp, người thực hiện hành vi thấy trước được hậu quả có thể gây ra, tuy không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng để mặc nhằm đạt một mục đích khác. Chẳng hạn, tài xế không mong muốn nạn nhân chết nhưng để thoát khỏi hiện trường nên đã có những hành vi biết là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân.

Ít tài xế nào chủ tâm cán chết người

Container là loại xe rất khó điều khiển, xoay trở trong khoảng không gian hẹp. Muốn thực hiện các động tác de lui, chạy tới chuẩn xác thì đầu kéo và thân xe phải thẳng, kiếng chiếu hậu phải gồm đủ hai loại (kính đứng, kính cầu) giúp tài xế quan sát được các trục bánh xe. Điều rất quan trọng là tài xế phải có thời gian tính toán và tâm lý vững vàng khi thực hiện. Nhưng cần khẳng định rằng tài xế cũng như những người bình thường khác đều không muốn gây ra tai nạn. Mặt khác, người muốn thực hiện hành vi giết người thường chọn nơi vắng vẻ để thực hiện chứ không ai lại chọn nơi có hàng trăm cặp mắt hướng vào. Số đông các tài xế do không giữ được bình tĩnh mới xử lý không chuẩn xác dẫn đến chết người chứ không phải chủ tâm muốn thế.

Anh NGUYỄN TẤN THẠCH, một tài xế xe container

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm