Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường: Có một loại “bị cáo” khác?

Góp lời bàn xung quanh câu chuyện xét xử Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh trong vụ án Thẩm mĩ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi ném xác phi tang, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Tp Hà Nội):

Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án bác sĩ thẩm mĩ phi tang xác kinh thiên động địa.
Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án bác sĩ thẩm mĩ phi tang xác kinh thiên động địa.

Nhìn lại vụ án Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống sông, theo luật sư, nhận thức về pháp luật của người dân, ngay cả người có học như bác sĩ hiện nay ra sao?

Mặc dù trong những năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được Nhà nước chú trọng và đẩy mạnh cùng với công cuộc cải cách tư pháp, sự phát triển của giới luật sư làm nhận thức về pháp luật của người dân nói chung được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật vẫn ở mức độ hạn chế, vi phạm pháp luật không giảm mà còn có xu hướng gia tăng ở một số lĩnh vực, một số khu vực... 

Vụ "Cát tường" là một minh chứng cho điều đó. Là một bác sỹ của một bệnh viện lớn, được gia đình, đồng nghiệp đánh giá cao... nhưng bác sĩ Tường lại có nhiều vi phạm pháp luật, trước tiên là vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh hành nghề y dược (không có giấy phép) sau đó gây hậu quả nghiêm trọng với chị Huyền nên đã vi phạm pháp luật hình sự.

Khi có sự cố xảy ra với chị Huyền, đáng lẽ bác sĩ Tường phải nhờ bác sĩ đúng chuyên môn can thiệp kịp thời hoặc chuyển chị Huyền tới bệnh viện để điều trị. Nhưng do "quá tự tin" xử lý các vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn của mình nên bác sĩ Tường đã gây tử vong cho chị Huyền. Có lẽ chính vì thế mà gia đình chị Huyền mới yêu cầu xử lý bác sĩ Tường về tội giết người - lỗi cố ý gián tiếp.

Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn khiến dư luận bức xúc chính là tội danh thứ hai: tội xâm phạm thi thể. 

Theo phản ứng tự nhiên người phạm tội thường che giấu hành vi phạm tội của mình (chúng ta lại liên tưởng tới vụ xác chết không đầu, hay một số vụ chặt tay, loã thể... gần đây), các đối tượng đã nhẫn tâm cắt xác, phi tang xác nạn nhân nhằm trốn tránh sự phát hiện và trừng trị của pháp luật... Tuy nhiên, hành vi đó thường diễn ra ở các đối tượng trẻ tuổi, văn hoá thấp, thành phần xã hội phức tạp...

Nguyễn Mạnh Tường không phải là các đối tượng trên. Là một người được học hành tới nơi, tới chốn, hành nghề cao quý- nghề cứu người, nhưng Tường đã không dám nhận trách nhiệm mà lại phi tang xác của nạn nhân để trốn tránh trách nhiệm. Đó là điều đáng trách, đáng lên án và là biểu hiện của ý thức chấp hành pháp luật không tốt của nhóm đối tượng phạm tội là "trí thức", trong đó có Tường.

Vụ án “bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông” sẽ tác động thế nào đến nhận thức pháp luật của người dân?

Vụ "Cát Tường" là tiếng chuông báo động cho công tác quản lý các cơ sở hành nghề y dược, khám chữa bệnh ở nước ta. Sự việc lên án hành vi phi tang xác nạn nhân của bác sĩ Tường cũng đã làm tăng ý thức chấp hành pháp luật cũng như nhận thức pháp luật của người dân về việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân...
Luật sư có thể lý giải vì sao BS Tường có hành động khủng khiếp đến như vậy?
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)

Như đã nói ở trên, trước tiên là do "phản ứng tự nhiên" của kẻ phạm tội - che giấu hành vi phạm tội, sau đó là do đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của người phạm tội... 


Theo luật sư, có những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào được xem xét ở vụ án này?

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 48 Bộ luật hình sự. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự. 

Do không trực tiếp tham gia vụ án, không được nghiên cứu hồ sơ mà chỉ biết một phần thông tin vụ việc qua báo chí nên tôi chưa có đủ cơ sở để khẳng định bác sĩ Tường chịu những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào và được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào.

Tuy nhiên, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như "thành khẩn khai báo" và "tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả" nhiều khả năng sẽ được áp dụng. 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào: Tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; Nhân thân người phạm tội; và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 45 BLHS). Do việc quyết định hình phạt cụ thể đối với các hành vi phạm tội của bị cáo Tường sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà trên cơ sở áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Cá nhân bác sĩ Tường phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình theo quy định của pháp luật, nhưng ngành y tế cũng sẽ phải chịu trách nhiệm gì, bị ảnh hưởng ra sao, thưa luật sư?

Sự việc xảy ra, đến thời điểm này ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế. Ngoài ra, cũng phải xem xét tới trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cán bộ trực tiếp được giao quản lý đối với cơ sở hành nghề của bác sĩ Tường và phải xử lý theo pháp luật. 

Có thể nói, có một loại “bị cáo” khác trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, đó là hệ thống quản lý cơ sở y tế tại địa phương. Hệ thống này cũng có lỗi, vì góp phần tạo ra câu chuyện đau lòng mang tên Cát Tường.

Cảm ơn luật sư!

Theo Infonet

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.