Vụ án chiếu bạc cò con

Mới đây, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã hoãn xử và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án đánh bạc. Quyết định này được đưa ra sau khi các bị cáo khai số tiền đánh bạc dưới 2 triệu đồng chứ không phải trên 2 triệu đồng như cáo trạng đã truy tố.

Có “con bạc” chỉ có 25.000 đồng

Theo cáo trạng, vào lúc 12 giờ 50 ngày 20-6-2013, công an bắt quả tang một nhóm đánh bài ăn tiền tại một quán cà phê lề đường ở khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân. Lúc ấy các “con bạc” Lê Hải, Trương Minh Đương, Trần Thanh Tuấn, Lê Văn Sang, Hồ Văn Hòa, Cao Văn Đạt và Hồ Dậu đang đánh bài cát-tê ăn tiền với số tiền mỗi ván là 5.000 đồng. Các “con bạc” thỏa thuận nếu có một tụ thắng đúp thì các tụ còn lại phải chung 10.000 đồng cho tụ thắng. Tất cả chia thành sáu tụ, trong đó Cao Minh Đạt và Hồ Văn Hòa hùn chung một tụ.

Cáo trạng nêu tổng số tiền thu được trên người các bị cáo là hơn 3,7 triệu đồng. Qua điều tra, các “con bạc” khai chỉ sử dụng (tổng cộng) hơn 2,4 triệu đồng để đánh bạc. Trong đó số tiền của Hải là hơn 1 triệu đồng, của Đương là 302.000 đồng, của Sang là 465.000 đồng, của Tuấn là 345.000 đồng, của Đạt là 264.000 đồng, của Dậu là 25.000 đồng. Còn lại gần 1,3 triệu đồng là của Đạt, không sử dụng vào mục đích đánh bạc.

Cần xác định lại số tiền đánh bạc

Tại tòa, sau khi nghe HĐXX giải thích, Hải liền khai: “Lúc công an vào bắt thì thu giữ của bị cáo hơn 1 triệu đồng. Trong đó bị cáo bỏ 1 triệu đồng trong bóp (ví), chỉ dùng 24.500 đồng để chơi mà thôi”.

HĐXX hỏi: “Nếu vậy tại sao trong quá trình điều tra, bị cáo lại khai là dùng 1.024.500 đồng để đánh bạc?”. Hải trả lời: “Bị cáo không phân biệt được tiền đánh bạc với tiền trong bóp là khác nhau nên mới khai như vậy”.

Theo Hải, số tiền 1 triệu đồng trong bóp là tiền Hải vừa mới ứng trước lương tháng để trang trải cuộc sống. Các bị cáo chỉ đánh bài mỗi ván 5.000 đồng cho vui thôi.

Tương tự, lúc ở cơ quan điều tra thì Tuấn khai dùng 302.000 đồng để đánh bạc, khi ra tòa thì lại khai chỉ đánh 102.000 đồng, còn 200.000 đồng kia bỏ trong túi, không chơi. Khi đại diện VKS hỏi thì Tuấn lại khai số tiền dùng đánh bạc là 302.000 đồng.

Nhận thấy lời khai của Tuấn bất nhất, HĐXX liền hỏi: “Bị cáo phải xác định cho rõ bị cáo dùng bao nhiêu tiền để đánh bạc. Ý định của bị cáo là dùng hết 302.000 đồng hay chỉ 102.000 đồng để đánh bạc thôi?”. Lúc này Tuấn liền nói rành rọt: “Bị cáo chỉ lấy 102.000 đồng để ra ngoài chơi thôi. Còn 200.000 đồng kia bị cáo bỏ trong túi quần. 200.000 đồng đó để ăn hằng ngày. Với lại bị cáo với anh em chỉ chơi một chút, đến giờ làm thì nghỉ. 1 giờ bị cáo vào làm. Từ quán cà phê đi bộ tới công ty cũng gần 10 phút. Lúc bị bắt cũng gần 1 giờ nên tính chơi một, hai ván nữa thôi”.

Riêng Đạt khi ấy chỉ ngồi xem và thỉnh thoảng bắt bài giúp Hòa để “lấy hên” rồi đưa bài cho Hòa đánh. Nhưng khi bị bắt, Đạt bị thu giữ 86.000 đồng và tại cơ quan điều tra, bị cáo này cũng khai luôn 86.000 đồng này dùng để đánh bạc.

Như vậy, theo lời khai tại tòa của các bị cáo thì số tiền dùng để đánh bạc không vượt quá 2 triệu đồng (chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự). Nhận thấy vụ việc cần phải được xác minh, làm rõ thêm nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

MAI THANH

 

Thế nào là tiền dùng để đánh bạc?

Việc xác định số tiền dùng để đánh bạc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu sai sót có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Đánh bạc là một trong những tội dễ xảy ra nhầm lẫn trong việc xác định số tiền mà các đối tượng dùng để đánh bạc. Nhầm lẫn ở đây có thể đến từ cơ quan điều tra, cũng có thể do con bạc không biết mà khai bừa tổng số tiền mình có trên người là tiền đánh bạc. Tiền thu giữ trên chiếu bạc thì dễ rồi nhưng đối với số tiền trên người đối tượng cũng như những hiện vật khác thì cần phải làm rõ xem tiền và những hiện vật đó có được các đối tượng dùng để đánh bạc hay không.

Với vụ án này, tôi nghĩ các bị cáo do không hiểu rõ luật nên lời khai không đúng, dẫn đến có sự nhầm lẫn. Như với bị cáo Tuấn, trong khi điều tra và ngay cả tại tòa lúc khai dùng 302.000 đồng, lúc khai dùng 102.000 đồng để đánh bạc. Đến khi được HĐXX giải thích rõ thì mới nhận ra được vấn đề.

Luật sư TRƯƠNG TRÍ VIỆT (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa cho bị cáo chưa thành niên Hồ Dậu

Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các “con bạc” mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Trích khoản 3 Điều 1 Nghị quyết  số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm