Vụ 4 CA xã Kim Nỗ đánh chết dân: Viện đề nghị chung thân, tòa xử 17 năm tù

Sau hai ngày xét xử, chiều 18-9, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ bốn công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đánh chết người. Tòa nhận định bốn bị cáo phạm tội giết người và tuyên mức án từ tám đến 17 năm tù.

Làm giảm niềm tin của nhân dân

Theo tòa, nguyên phó công an xã Hoàng Ngọc Tuyên là người phải lãnh mức án cao nhất do trong vụ án này Tuyên giữ vai trò chính. Nguyễn Ngọc Kiên giữ vai trò giúp sức tích cực. Hành vi của hai bị cáo này là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân. Hai bị cáo Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức có vai trò thấp hơn, tuy không trực tiếp đánh ông Thuận nhưng có hành vi cảnh giới, trói tay chân nạn nhân…

Về trách nhiệm dân sự, gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX chỉ tuyên các bị cáo liên đới bồi thường 107 triệu đồng, cấp dưỡng cho con gái nhỏ của ông Thuận (sinh năm 2003) mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến năm cháu 18 tuổi và cấp dưỡng cho cha nạn nhân mỗi tháng 400.000 đồng. Tổng số tiền gia đình các bị cáo hỗ trợ cho gia đình nạn nhân là 180 triệu đồng.

“Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều là công an viên nhưng lại có hành vi dùng bút bi kẹp tay, dùng dùi cui đánh vào đùi, thúc vào ngực nạn nhân. Hành vi này đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền…” - tòa nhận định.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, theo HĐXX các bị cáo đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, trong công tác có người nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Mặt khác, nguyên nhân tử vong của ông Thuận còn do những yếu tố khác gây nên, vì vậy HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. (Nguyên nhân tử vong của nạn nhân được xác định do suy hô hấp - tuần hoàn cấp do hậu quả của đa chấn thương phần mềm trên cơ sở có bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, bệnh xơ gan vòng giai đoạn tiến triển và nồng độ rượu trong máu 213,6 mg/100 ml...)

Nhận định trên của HĐXX cũng tương đồng như quan điểm luận tội của đại diện VKS. Tuy nhiên, đại diện VKS còn cho rằng bản thân người bị hại cũng có cách hành xử không khiêm nhường, không hợp tác gây nên sự bức xúc của cán bộ.

Các bị cáo xin gia đình nạn nhân tha thứ

Trước đó, trong phần bào chữa cho thân chủ, các luật sư cho rằng cáo trạng truy tố không chính xác. Các bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích, hậu quả chết người là nằm ngoài ý muốn. Luật sư cũng cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng khi lấy lời khai bị can vào ban đêm, đã bỏ lọt tội phạm khi không xem xét trách nhiệm của trưởng công an xã Nguyễn Đức Vọng. Nhiều lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhưng cơ quan điều tra đã không cho đối chất để xác minh… Từ đó một số luật sư kiến nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng các bị cáo đều thừa nhận những hành vi nêu trong cáo trạng “có lời khai hơi chếch một tí nhưng bản chất hành vi vẫn là như vậy”.

Đại diện VKS nhấn mạnh giữa các bị cáo và người bị hại hoàn toàn không mâu thuẫn, ông Thuận mới nằm trong diện xác minh chứ không phải là tội phạm. Hơn nữa đó là người ngang bậc cha mẹ các bị cáo, lại là bà con chòm xóm, có bị cáo còn là cháu của nạn nhân. “Hành vi của các bị cáo là côn đồ vì không ai tưởng tượng những người trẻ thế này lại thực hiện hàng loạt hành vi tàn nhẫn như thế: dùng dùi cui đánh vào hai bên bẹn của nạn nhân hoặc dùng dùi cui chọc vào ngực nạn nhân. Mới vào công an (Kiên vừa vào công an nghĩa vụ hai tháng - PV) thì phải rón rén, phải biết sợ chứ! Đằng này cứ không khai là đánh, chửi là đánh. Bị cáo Tuyên còn dạy các bị cáo khác cách đánh ông Thuận. Người bình thường có tí đạo đức, nhân cách, không ai làm việc như thế” - đại diện VKS bức xúc.

Khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo đều tạ lỗi với gia đình nạn nhân và mong được khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội.

ĐỨC MINH

Nguyên trưởng công an xã vô can

Trong hai ngày diễn ra phiên tòa, đại diện hợp pháp, luật sư của gia đình người bị hại và một số luật sư khác nhiều lần kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của nguyên trưởng công an xã Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng vì có liên quan đến cái chết của nạn nhân. Ông Vọng là người đã chỉ đạo một số công an viên đến nhà áp giải ông Thuận lên trụ sở UBND (khi không có giấy triệu tập) để lấy lời khai, yêu cầu khóa tay, cưỡng chế ông Thuận vào trụ sở ủy ban làm việc…

Về việc này, bản án nêu: HĐXX đã từng trả hồ sơ yêu cầu điều tra xem xét hành vi của ông Vọng, tuy nhiên cơ quan điều tra xét thấy không đủ cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của ông Vọng.

Trước đó đại diện VKS cho rằng việc ông Thuận lên trụ sở UBND xã là do có người thuyết phục, ông Thuận tự nguyện đi lên, không bị ai ép buộc. Ông Thuận là người bị hại nhưng tại trụ sở UBND, cho dù có tí men hoặc do bức xúc, ông có hành vi chửi bới cán bộ thì đương nhiên người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự giữ gìn sự tôn nghiêm của ủy ban phải yêu cầu ông Thuận vào trụ sở làm việc. Ông Thuận vẫn tiếp tục chửi thì phải cưỡng chế. Việc làm đó không trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, các bị cáo cũng đều khai chưa bao giờ ông Vọng chỉ đạo các bị cáo đánh ông Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm