Vô lý khi phải cắt Hòn Cau cho nhiệt điện

Các vấn đề liên quan đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau (đề xuất cắt giảm hơn 1.000 ha cho nhiệt điện và đổ hơn 1,5 triệu m3 thải nạo vét cách khu vực này hơn 500 m) đã làm nóng kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 6-12.

Phải chất vấn tới cùng

Khi thấy Thường trực HĐND tỉnh không đưa các vấn đề trên vào nội dung chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) đã bày tỏ sự không đồng lòng và đề nghị đưa chuyện Hòn Cau ra chất vấn. Ông Thiện cho rằng nếu không làm như thế dư luận sẽ nghĩ không tốt về Bình Thuận. Trước sự quyết liệt đó, ông Trương Quang Hai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, cho rằng các ĐB nên nghiên cứu nhưng chỉ đưa vụ Hòn Cau vào thời gian thảo luận vì thời gian có hạn.

Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng phải chất vấn tới cùng vấn đề này. Ông Ngọc Hai cũng cho hay UBND tỉnh đã có văn bản trả lời cho các ĐB về việc vì sao tỉnh đề xuất cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Phát biểu bổ sung, ĐB Thiện đặt vấn đề: “Hòn Cau có trước nhiệt điện Vĩnh Tân, nếu chồng lấn diện tích thì tại sao lại bắt “người bị lấn” giao biển cho “người lấn”? Như thế là quá vô lý”. Theo ông Thiện, biển, nhất là Khu bảo tồn Hòn Cau có giá trị vĩnh cửu. Giá trị này cần phải được bảo vệ. “Bộ NN&PTNT đã có văn bản không đồng ý cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là đúng, chính xác. Các nhà khoa học cũng nói rất rõ rồi, thế nhưng cơ sở nào tỉnh lại tiếp tục có văn bản đề nghị điều chỉnh để giao mặt biển cho Vĩnh Tân?” - ĐB Thiện gay gắt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai trao đổi với các đại biểu về các vấn đề liên quan đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau tại kỳ họp HĐND lần thứ 3 của tỉnh này. Ảnh: PN

Giải trình vấn đề này ngay phiên thảo luận tại hội trường, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết việc hình thành Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau là do hai dự án nêu trên đã chồng lấn vào diện tích của khu bảo tồn biển. “Tuy nhiên, hiện nay do Bộ NN&PTNT chưa đồng ý nên cần có ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề này” - ông Kiều nói.

Tìm cách khác chứ không đổ thải xuống biển

Liên quan đến việc nhiệt điện Vĩnh Tân xin phép đổ 1,5 triệu m3 thải nạo vét xuống vùng biển cách Khu bảo tồn Hòn Cau 500 m, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết UBND tỉnh vô cùng quan tâm đến vấn đề xả thải, đến ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân. Vì đây là bức xúc, là nỗi lo của người dân Bình Thuận cũng như dư luận của cả nước.

Theo ông Ngọc Hai, tỉnh đã làm việc với Bộ TN&MT, nếu cấp phép cho đổ vật liệu sau nạo vét xuống biển phải hết sức cẩn trọng. Tỉnh cho rằng cần phải thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá toàn diện để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, cũng như Khu bảo tồn biển Hòn Cau và ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm tốt nhất cả nước. “Cho đến nay tỉnh không có chủ trương nào để quyết làm cho bằng được việc này. Tôi hoan nghênh báo chí đã liên tục phản ánh, giúp cho tỉnh xem xét toàn diện vấn đề hơn” - ông Hai bày tỏ.

Người đứng đầu chính quyền Bình Thuận cũng cho hay ông vừa làm việc với một thứ trưởng Bộ Công Thương và thống nhất tới đây sẽ có đoàn giám sát, thẩm tra việc này bởi đổ vật liệu nạo vét sát với khu bảo tồn biển là rất nguy hiểm.

Ông Ngọc Hai cho biết đối với việc luồng hàng hải dẫn vào cảng tổng hợp Vĩnh Tân, dứt khoát phải tìm luồng khác, chọn hướng khác để không ảnh hưởng đến san hô, đến môi trường sinh thái. “Quan điểm của tỉnh là không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường. UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân, không để ảnh hưởng đến môi trường biển, đến đời sống người dân” - ông Hai khẳng định.

Bế mạc phiên thảo luận, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết vấn đề liên quan đến việc đổ vật liệu nạo vét hay cắt giảm diện tích Hòn Cau, các cơ quan trung ương sẽ quyết định, tỉnh chỉ tham gia và HĐND tỉnh sẽ giám sát. “Làm thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến vùng nuôi tôm giống, đến Hòn Cau, tôi đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức họp báo về vấn đề này để thông báo rộng rãi cho nhân dân biết được quan điểm của tỉnh” - ông Hùng kết luận.

Theo văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận, khối lượng nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 là 1.569.524 m3 và khối lượng nạo vét duy tu hằng năm là 268.615 m3. Việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển sẽ có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy. Đặc biệt hoạt động đổ vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 sẽ gây tác động lớn đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Do đó, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là sẽ kiến nghị Bộ TN&MT cho đánh giá lại tác động, ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Đồng thời mời các nhà khoa học, chuyên gia phản biện trước khi Bộ TN&MT xem xét việc cấp phép nhận chìm cho chủ dự án bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm