VKS: VietinBank không phải bồi thường

Ngày 20-1, phiên xử vụ Huyền Như tiếp tục với phần đối đáp của VKS. Điều đáng nói là VKS đã bác bỏ toàn bộ quan điểm của các luật sư, nguyên đơn dân sự, người bị hại về trách nhiệm của VietinBank trong vụ án.

“Huyền Như lừa đảo, không phải tham ô”

Trước khi phát biểu, kiểm sát viên bắt đầu bằng nhận định: “Phiên tòa có nhiều quan điểm trái chiều. VKS tiếp thu và tranh luận những vấn đề cụ thể với tinh thần cầu thị. Tuy nhiên, kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm là việc truy tố, luận tội là đúng người, đúng tội, phù hợp cả về lý luận lẫn thực tiễn”.

Trước hết, đại diện VKS phủ nhận quan điểm của một số luật sư cho rằng Huyền Như phạm tội tham ô tài sản. Theo VKS, hành vi của Như có dấu hiệu gần với tội tham ô nên có sự nhầm lẫn. Như trường hợp ACB bị thiệt hại là cả hai bên ACB lẫn Huyền Như đều cố ý vi phạm pháp luật. Hành vi của Như nhằm vào tiền của ACB, có đủ bốn yếu tố của tội lừa đảo. ACB mất quyền kiểm soát đối với tiền của mình từ khi chuyển tiền, làm các thủ tục không đúng quy định để Như tiếp tục dùng các thủ đoạn gian dối khác chiếm đoạt tài sản…

“Tại VietinBank có hàng ngàn giao dịch được thực hiện, tại sao chỉ có 15 cá nhân, công ty, ngân hàng vì tham lãi suất cao mà bị lừa đảo? ACB tham lãi suất vượt trần từ Như. Nếu ACB không có lòng tham, cẩn trọng hơn thì Như đã không thực hiện được ý đồ gian dối của mình” - đại diện VKS lập luận.

Đại diện VKS đang trình bày phần đối đáp. Ảnh: H.YẾN

Với đề nghị của luật sư cho Huyền Như được giảm hình phạt vì phạm tội do bị cưỡng bức, đe dọa, đại diện VKS cho rằng ngoài lời khai của Như thì không có chứng cứ nào khác. Về việc tự nguyện khắc phục hậu quả, Như chỉ nộp được 8 tỉ đồng, cộng với 200 tỉ đồng do cơ quan điều tra kê biên trong quá trình điều tra. So sánh với thiệt hại (gần 4.000 tỉ đồng) thì quá nhỏ nên đại diện VKS cũng bác bỏ quan điểm của luật sư xin giảm hình phạt cho Như.

Cạnh đó, đại diện VKS cũng xác định việc Như làm giả tám con dấu có đủ yếu tố buộc tội danh độc lập. Việc truy tố xét xử Như về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là cần thiết, có căn cứ nên việc luật sư đề nghị rút truy tố tội danh này là không chấp nhận được.

“VietinBank không phải bồi thường”

Đáng chú ý, VKS đã bác toàn bộ kiến nghị của luật sư liên quan đến việc yêu cầu VietinBank bồi thường.

Đại diện VKS không đồng tình với các ý kiến của luật sư cho rằng khâu quản lý của VietinBank quá lỏng lẻo, đầy rủi ro… nên bị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Theo đại diện VKS, 15 đơn vị, cá nhân bị thiệt hại là do hành vi trái pháp luật của Như gây ra chứ không phải do VietinBank quản lý lỏng lẻo, thiếu thanh tra, kiểm soát. Chính các cá nhân, đơn vị bị thiệt hại không thực hiện đúng pháp luật về tài chính trong việc ký kết hợp đồng khiến các hợp đồng này đều được thực hiện trái pháp luật. Các cá nhân, đơn vị không thực hiện theo dõi tài khoản, ham lãi suất cao mà bị Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đi vào cụ thể, VKS nêu quan điểm: Các hợp đồng giao dịch giữa ACB với VietinBank thông qua Huyền Như là hợp đồng thật đối với ACB nhưng là hợp đồng giả với VietinBank. VietinBank không có chính sách nào tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên ACB không cần đến giao dịch tại VietinBank, có mức lãi suất cao… VKS cũng quy trách nhiệm cho ACB làm trái pháp luật khi giao tiền cho 19 nhân viên đem đi gửi. Mặt khác, khi tiền chuyển vào tài khoản của các nhân viên ACB thì các nhân viên này phải có trách nhiệm quản lý các tài khoản trên. Mặt khác, ACB cũng phải yêu cầu nhân viên bàn giao lại các tài khoản này cho mình nhưng ACB đã không làm như vậy mà phó thác toàn bộ tiền cho Như. Như vậy ACB cũng chưa thực hiện đúng quy trình, dẫn đến việc bị Như lợi dụng.

Với luật sư của NaviBank đưa ra 10 nội dung khẳng định ngân hàng không phải là nguyên đơn dân sự của vụ án, đại diện VKS cho rằng NaviBank vi phạm pháp luật về vượt trần lãi suất. Lãnh đạo NaviBank đã thừa nhận sai phạm và sai phạm này đã khởi nguồn cho những sai phạm kế tiếp, dẫn đến bị Huyền Như lừa.

NaviBank cho rằng không bị Như lừa, không vi phạm quy định về tiền gửi nhưng NaviBank đã trao quyền định đoạt tài sản của mình cho các bị cáo trong vụ án. NaviBank cho rằng mình không được bảo vệ khi gửi tiền cho VietinBank nhưng không có chứng cứ xác nhận NaviBank giao tiền cho VietinBank. Huyền Như đã đánh vào lòng tham nên dễ dàng lừa đảo số tiền lớn.

“Đến thời điểm này, chưa có một trường hợp khách hàng nào, không riêng gì của VietinBank mà của bất cứ ngân hàng nào báo rằng bị mất tiền khi họ đến gửi tại ngân hàng. Còn ở đây, gửi tiền tiết kiệm mà không gửi sổ tiết kiệm, giao dịch qua trung gian… nên mới dẫn đến hậu quả như hôm nay. Mọi hành vi giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào, dù là VietinBank hay bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào đều được pháp luật bảo vệ nếu tuân thủ đúng các quy định” - đại diện VKS khẳng định.

Từ đó, kiểm sát viên xác định: “VietinBank không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Huyền Như là người đã lừa đảo chiếm đoạt của 15 đơn vị và cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỉ đồng, buộc Huyền Như phải bồi thường thiệt hại cho các đơn vị và cá nhân là đúng. Việc 15 đơn vị, cá nhân không yêu cầu Huyền Như bồi thường mà yêu cầu VietinBank bồi thường là không có căn cứ”.

Ngày 21-1, phiên xử dự kiến sẽ rất sôi động với phần đối đáp lại của các luật sư.

HOÀNG YẾN

 

Tịch thu tiền Huyền Như trả lãi “khủng”

Trong vụ án, Như đã dùng tiền chiếm đoạt để trả các khoản lãi vay nóng khổng lồ. Xác định tính chất pháp lý của số tiền này để quy buộc trách nhiệm và giải quyết hậu quả là việc rất cần thiết, ảnh hưởng đến tổng giá trị thiệt hại, từ đó cũng làm cơ sở cho việc định khung hình phạt tương ứng sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khác.

Vì nhận các khoản trả lãi vay nóng “khủng” của Huyền Như, một số bị cáo đã bị truy tố về tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 BLHS. Phần tiền trả lãi vay nóng vượt lãi suất cho phép mà các bị cáo nhận từ Huyền Như phải được xem là số tiền thu lợi bất chính. Số tiền này phải bị tịch thu theo quy định tại Điều 41 BLHS (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm). Theo tôi, sau khi tịch thu, nên trừ vào tổng số tiền Huyền Như chiếm đoạt để giảm con số thiệt hại. Bởi nếu Huyền Như không phải trả các khoản lãi cắt cổ này thì phần tiền mà Huyền Như mất sẽ giảm xuống và thiệt hại chung cũng sẽ giảm.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm