Việt Nam vào nghị trường quốc tế khi thế nước đang lên

Việt Nam (VN) đã bắt đầu đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1 năm nay.

Chúng ta đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020 trong thời điểm thế nước đang lên, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay VN đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. VN là một trong 30 nước có tốc độ kinh tế phát triển cao của thế giới, hòa bình, an ninh ổn định, là quốc gia được LHQ vinh danh trong xóa đói giảm nghèo.

Việc trúng cử vào HĐBA với số phiếu cao kỷ lục 192/193 trong lịch sử thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của thế giới với một nước VN trên con đường cường thịnh, dần khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong khu vực và xa hơn. Thời điểm VN đảm nhận vị trí chủ tịch HĐBA có ý nghĩa đặc biệt.

Đồ họa: HOÀNG QUYÊN

Đây là lần đầu tiên một nước ASEAN đảm nhiệm vai trò chủ tịch trong tháng đầu tiên của cả hai tổ chức quốc tế toàn cầu (HĐBA) và khu vực (ASEAN).

VN có đội ngũ các nhà ngoại giao đã trưởng thành và năng động. Với truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, kinh nghiệm giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, xử lý các hậu quả sau chiến tranh và những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã tạo ra vị thế nhất định trong vận động thuyết phục các đối tác trong HĐBA thực hiện các chương trình đề ra.

Các nhà ngoại giao mà tôi tiếp xúc đều có đánh giá tích cực về vai trò và nhiệm kỳ ủy viên không thường trực 2020-2021 của VN. Họ nhận định hoàn thành nhiệm vụ này sẽ nâng cao tiếng nói, sức nặng của VN trên phương diện địa chính trị, như một nhân tố quan trọng và có tầm ảnh hưởng tại khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương cũng như xa hơn.

Thẩm phán Tòa trọng tài Luật Biển K. Krinsak, một người bạn cũ của tôi trong Ủy ban Luật quốc tế của LHQ, đánh giá cao vai trò kết nối của VN giữa ASEAN và LHQ, đưa các vấn đề ASEAN quan tâm vào chương trình nghị sự của LHQ.

GS Carl Thayer, ĐH New South Wales (Úc), thì nhận định: VN là nước duy nhất được toàn thể các nước châu Á đề cử; VN đã giành được số phiếu áp đảo tại Đại hội đồng LHQ; VN có kinh nghiệm của nước không thường trực HĐBA trong quá khứ; VN tích cực thực hiện cam kết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; VN được thừa nhận rộng rãi như một bên có ý kiến độc lập.

Bên cạnh đó cũng có những thách thức. Đó là thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ vài tháng,, nhất là làm Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên. Ngay trong ngày đầu tiên, VN đã phải đóng vai trò giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh sau vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa sát hại tướng Iran tại Iraq vi phạm vùng trời Iraq. VN cũng cần thể hiện lập trường đối với các yêu cầu giảm bớt lệnh trừng phạt Triều Tiên do Trung quốc và Nga đề xuất…

Sau một thập kỷ, tình hình thế giới ngày càng có nhiều diễn biến khó lường, quan hệ giữa các nước lớn, các nước Ủy viên thường trực của HĐBA đang chia rẽ ở mức cao nhất.

Việc các nước có xu thế tập trung theo đuổi chủ nghĩa dân túy, các hành động đơn phương, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực gia tăng, phớt lờ luật pháp quốc tế làm vị trí của LHQ phần nào bị suy yếu.

Việc Mỹ rút khỏi một số tổ chức quốc tế, trì hoãn đóng niên liễm cho LHQ làm tổ chức này gặp nhiều khó khăn khi phải đương đầu với những nguy cơ mới, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, biến đổi khí hậu, chiến tranh trong không gian mạng.

HĐBA chia rẽ vì bế tắc cạnh tranh địa chính trị, kinh tế và trên hàng loạt các vấn đề toàn cầu khác. LHQ phải chứng minh tính phù hợp và tầm quan trọng của mình trong một thế giới có quá nhiều cực, nhiều tổ chức đa phương như Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS.

VN đảm nhận nhiệm vụ mới tại HĐBA trong bối cảnh châu Á vừa là tâm điểm phát triển kinh tế, vừa là điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, từ thương mại đến tranh chấp Biển Đông.

VN cần cùng các nước xử lý các vấn đề quốc tế phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí bất đồng, dựa trên nguyên tắc tuân thủ hiến chương LHQ với nội dung: Duy trì hòa bình và hợp tác phát triển, tôn trọng độc lập chính trị, quyền dân tộc tự quyết, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực; Tôn trọng các nghị quyết đã có của LHQ; Tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan….

Chương trình làm việc VN đề xuất và được HĐBA thông qua chính là nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn.

Cách ứng xử của ngoại giao VN phải đáp ứng được hai mục tiêu, vừa bảo vệ được hòa bình, an ninh quốc tế, vừa giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước thành viên của HĐBA.  Đây là thách thức không nhỏ.

So với nhiệm kỳ đầu tiên là nhiệm kỳ học việc, nhiệm kỳ thứ hai này đòi hỏi VN có nhiều sáng kiến hơn, đóng góp về nhân lực và vật lực cho các nhiệm vụ của LHQ nhiều hơn như việc gửi thêm nhân lực tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ hay cân nhắc đóng góp tài chính cho một số sáng kiến của LHQ.

Để vượt qua những khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Đảng và Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị triển khai đồng bộ công tác đối ngoại trên tất cả trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại quốc phòng - an ninh, đối ngoại nhân dân.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát động: “Năm ASEAN 2020 và HĐBA LHQ: Thực hiện trọng trách quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong cán bộ, công nhân viên Bộ Ngoại giao. VN đã chuẩn bị tốt cơ chế chỉ đạo, liên lạc và phối hợp giữa trung tâm chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành tại Hà Nội và phái đoàn thường trực VN tại LHQ. Các cán bộ ngoại giao kinh nghiệm nhất, năng động, hiệu quả nhất đã được tăng cường cho đầu cầu New York.

VN đã xây dựng một chương trình hành động cụ thể, chi tiết phối hợp hoạt động LHQ với ASEAN. Chúng ta tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ càng, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, đóng góp tâm sức của cán bộ ngoại giao, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, nhiệm kỳ ủy viên không thường trực lần thứ hai của VN sẽ thành công tốt đẹp, nâng cao vị thế của VN.

Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế
thuộc LHQ (ILC)

Vị thế đặc biệt của Việt Nam năm 2020
Vị thế đặc biệt của Việt Nam năm 2020
(PL)- Lần thứ hai được tín nhiệm vào vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đang đứng trước vận hội mới với không ít thử thách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm