Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu

Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, chiều 28-12.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Báo cáo về kết quả cải cách thủ tục hành chính, ông Mai Tiến Dũng cho biết trong năm 2020, đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016-2020, đã cắt giảm gần 3.900 điều kiện kinh doanh, hơn 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân và doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỉ đồng/năm.
Theo ông Mai Tiến Dũng, với những nỗ lực lớn, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới đã được cải thiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Về xây dựng Chính phủ điện tử, ông Mai Tiến Dũng cho biết nhiều hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý như trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12-3-2019, đến nay đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương. Hơn 3,7 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua trục này và giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỉ đồng/năm.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được vận hành từ ngày 24-6-2019 đến nay đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ và hơn 620 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 225.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Chi phí tiết kiệm được khoảng 169 tỉ đồng/năm.
Cổng dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành, đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6.700 thủ tục hành chính với hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký. Hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử. Chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 6.700 tỉ đồng/năm.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19-8-2020 đã kết nối với 14 bộ, cơ quan, 37 địa phương và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Chi phí tiết kiệm khi vận hành hệ thống này khoảng 460 tỉ đồng/năm.
Tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội ước tính trên 8.500 tỉ đồng/năm từ các hệ thống trên.
Liên hợp quốc đã xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 2 bậc so với năm 2018), duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 và được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm