Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp đặt trên đá Bông Bay

Chiều 22-11, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Đài Loan bắt đầu tập trận trên đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà cho biết Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà. Ảnh: V.THỊNH

“Việc Đài Loan bất chấp nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự” - phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Trung Quốc lắp đặt cấu trúc mới trên đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nêu rõ:

“Như đã nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN-Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.”

Về bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ngày 20-11-2018, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời:

“Lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và quốc gia ven biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.

Theo đó, hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982".

Liên quan đến phát biểu của Trung Quốc về việc kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong ba năm, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nêu rõ:

“Duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước, trong đó có các nước ASEAN và Trung Quốc. Theo đó và trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Quan trọng nhất là phải đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông nói riêng và khu vực nói chung".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.