'Việt Nam phải có tư duy vượt lên trước để bắt kịp thế giới'

Diễn đàn thường niên cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2020 đang diễn ra với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Dũng đã nêu ra nhiều luận điểm quan trọng về tiền đề và mục đích của VRDF.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói những thành tựu của Việt Nam đang bị dịch COVID-19 đe dọa. Việt Nam phải vượt lên trước, không chịu đi sau, đi theo thì mới phát triển được. Ảnh: LÊ TIÊN

Lược sử, Bộ trưởng Dũng nói Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỉ lệ đói nghèo cao đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành nước thu nhập trung bình (thấp) vào năm 2010.

“Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt” - Bộ trưởng Dũng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, thặng dư thương mại gần 12 tỉ USD; dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đến hạ tuần tháng 8-2020 đạt gần 20 tỉ USD, vốn thực hiện trên 11 tỉ USD.

“Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc COVID-19” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới và COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu.

“Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài” - Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.

Theo ông Dũng, để khắc phục khó khăn và tận dụng cơ hội, VRDF cần phải có tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm.

“Phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam vì những thành công trong cuộc chiến chống COVID-19. Bà Carolyn Turk cho rằng: Tuy dịch COVID-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội cho một “nền kinh tế không tiếp xúc”.

Giám đốc Worl Bank Group tại Việt Nam Carolyn Turk nói VRDF cần phải chỉ ra được cách thức thực hiện những việc cần làm để Việt Nam cải cách, phát triển. Ảnh: LÊ TIÊN

Theo bà Carolyn Turk, VRDF là dịp để Việt Nam trả lời các câu hỏi về cách thức thu hút các nguồn vốn FDI.

“Thách thức của Việt Nam không nhất thiết là thu hút được bao nhiêu vốn FDI mà là cách khai tác tối đa hiệu quả và tận dụng được tác động của các nguồn vốn ấy” - bà Carolyn Turk nói.

Theo Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được khởi động nhưng Việt Nam còn nhiều việc cần làm trong bối cảnh thương mại, hàng hóa và kể cả giáo dục cũng đang được cung cấp trực tuyến.

“Thành công không chỉ phụ thuộc vào việc chỉ ra được các việc cần làm, mà là cách thức thực hiện các công việc đó” - bà Carolyn phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm