Việt Nam hồi hương gần 1.000 hài cốt lính Mỹ trong 30 năm qua

“Nếu không có sự lãnh đạo của Chính phủ và sự hợp tác đặc biệt của nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh nhân đạo của chúng tôi ở đây” - Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó Giám đốc Cơ quan tìm kiếm tù binh và người mất tích, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), nói.

“Hai nước chúng ta đã làm những điều mà hai cựu đối thủ hiếm khi làm, gạt sang những khác biệt để thực hiện sứ mệnh cao quý này” - Phó Đại sứ Caryn McClelland nói.

Trong buổi lễ, cả bà Caryn McClelland và ông Jon Kreitz đã điểm lại những nỗ lực của hai nước trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).

Theo đó, công tác tìm kiếm trên thực địa bắt đầu được tiến hành từ năm 1988 đã không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của các gia đình Mỹ có người thân mất tích hoặc chết tại Việt Nam, mà còn thể hiện truyền thống hòa hiếu và bao dung của dân tộc Việt Nam, gác lại quá khứ, tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Kể từ đó, các nhân viên điều tra, khai quật và khoa học của Mỹ và Việt Nam đã tham gia 133 đợt hoạt động hỗn hợp, giúp tìm thấy, hồi hương 958 bộ hài cốt lính Mỹ, trong đó 725 trường hợp được nhận dạng.

Kết quả này làm sáng tỏ dần con số hơn 1.900 quân nhân Mỹ được cho là mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Gần đây nhất, tháng trước, các đội hỗn hợp của Mỹ và Việt Nam đã triển khai ba đội quân hỗn hợp để khai quật và khảo sát 11 hiện trường trong đất liền và 10 hiện trường dưới nước. Và ngày 11-12, Việt Nam đã trao trả ba bộ hài cốt do người dân tìm thấy cho phía Mỹ, để chuyển tới phòng giám định tại Hawaii tiếp tục đánh giá, phân tích.

Bên cạnh kết quả tích cực ấy, trong các cuộc tìm kiếm hỗn hợp, những người con của cả hai dân tộc đã đối mặt với mất mát, đau thương, khi mà trong một chuyến bay trực thăng đã xảy ra tai nạn thảm khốc làm 16 thành viên Mỹ và Việt Nam cùng phi hành đoàn thiệt mạng.

Phía Mỹ gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hợp tác hiệu quả trong 30 năm qua liên quan hợp tác nhân đạo MIA và nhấn mạnh: “Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác này với Việt Nam khi chúng tôi tiến tới việc kiểm kê đầy đủ nhất một cách có thể những người Mỹ chưa được trở về".

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Việt Nam, tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đầy đủ và hiệu quả với Mỹ trong lĩnh vực nhân đạo này.

“Hợp tác MIA là một trong những cầu nối ban đầu giúp hai bên hiểu biết nhau hơn và cũng là nhân tố góp phần không nhỏ cho thành công chung của quan hệ hai nước. Chúng tôi vui mừng nhận thấy cùng với việc tiếp tục hợp tác tốt đẹp trong vấn đề MIA, quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ” - ông Sơn phát biểu.

Còn Thượng tướng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh không chỉ khép lại quá khứ, không chỉ khắc phục hậu quả của lịch sử mà còn là cánh cửa mở rộng cho sự hợp tác trong tương lai của hai quốc gia".

Ông Vịnh cũng nói rõ mong muốn của phía Việt Nam trong việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ tẩy độc da cam/dioxin, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, tìm kiếm bộ đội Việt Nam còn mất tích sau chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm