Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh

Hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là thông tin được bà Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNCA) đưa ra tại hội thảo Nâng cao nhận thức về già hóa và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi do Viện Nghiên cứu y học xã hội (ISMS) tổ chức ngày 23-5 tại Hà Nội.

Ngoài ra tuổi thọ của người dân Việt Nam liên tục được cải thiện trong thời gian qua. Theo số liệu điều tra, độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74,3 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ sống khỏe mạnh vẫn thấp, số năm đau ốm trung bình của một người Việt Nam là 7,3 năm (khoảng 11% tổng số tuổi thọ).

Theo thống kê của Bộ Y tế, 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng lớn, chủ yếu là cụ bà.

 Điều kiện đời sống phần lớn đang hết sức khó khăn, chủ yếu sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy. 

Hiện nay 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. 18% người cao tuổi là hộ nghèo, 10% sống trong nhà tạm.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này. Tại tuyến trung ương chỉ có một bệnh viện lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các nhà khoa học đã tính toán, nếu như chăm sóc y tế cho đứa trẻ cần 1 đồng thì chăm sóc cho người già cần tới 8 đồng. 

Bà Giang khẳng định, già hóa dân số không phải gánh nặng mà tạo nên những cơ hội, thách thức mới, vì vậy cần phát huy và chăm sóc người cao tuổi. Người cao tuổi từ 60 đến 75 tuổi đóng góp rất nhiều cho xã hội, là kho tàng kiến thức kinh nghiệm cho thế hệ sau.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm