Việt kiều mong có mô hình kết nối để đóng góp

Các kiều bào trí thức sinh sống tại Mỹ nhìn nhận chính sách của Chính phủ đã thông thoáng hơn cho trí thức đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam (VN) cống hiến. Tuy nhiên, ông Trần Thắng, một Việt kiều trí thức đang làm việc tại Mỹ, nhận xét VN còn thiếu chương trình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ hiệu quả, mô hình hoạt động nên việc thu hút Việt kiều đóng góp cho đất nước còn chưa xứng với tiềm năng.

Niềm tự hào của Việt Nam

Theo ông Thắng, rất nhiều người VN đang làm việc cho những công ty lớn và giữ nhiều trọng trách tại đại học Mỹ (là lãnh đạo công ty xe Ford, nhiều giáo sư tên tuổi đang giảng dạy tại các trường đại học lớn ở Mỹ, các công ty công nghệ hàng không, công nghệ quốc phòng, máy tính).

Kinh nghiệm và kiến thức của các Việt kiều trí thức là tài sản quý của người Việt tại Mỹ. Họ là những người có chuyên môn sâu, có khả năng cao trong việc thiết kế, tổ chức và điều hành công việc. Ngoài ra, họ có khả năng tư vấn công ty Mỹ đầu tư tại VN.

Nhiều giáo sư VN tại các đại học hàng đầu Mỹ đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực khoa học. Những đóng góp của họ là nền tảng để sáng chế ra sản phẩm mới hoặc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm phục vụ đời sống của con người.

Những kiều bào trí thức khi về VN muốn đóng góp vẫn chưa có sự kết nối với giới chuyên môn trong nước.

Dù từ năm 2003, tại New York (Mỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Ðình Bin nói chuyện về chương trình chuyển giao tri thức về nước nhưng đến nay đã hơn 15 năm vẫn chưa có một chương trình hay mô hình nào. Thỉnh thoảng có vài hội thảo thu hút trí thức Việt kiều nhưng chưa đưa ra mô hình cụ thể nào.

Trong chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến TP New York vào tháng 5-2017 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tháng 9-2018 tham dự buổi họp tại Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng có gặp riêng nhóm Việt kiều ngành giáo dục. Thủ tướng đã nghe phản ánh là VN cần có mô hình chuyên gia Việt-Mỹ để kết nối, tương tác chuyên môn với nhau, làm việc qua không gian mạng mà không cần có mặt tại VN nhưng đến nay vẫn chưa có.

Kỹ sư Trần Thắng với một tấm bản đồ cổ chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: Đ.THIỆN

Cần kết nối để khơi hết tiềm năng

Trí thức trẻ người Việt đa phần sinh trưởng tại Mỹ nên họ dè dặt tham gia các dự án tại VN khi chưa có sự giới thiệu từ những người được tín nhiệm. Bản thân các trí thức Việt kiều trẻ hiểu rõ cội nguồn và mong muốn có cơ hội đóng góp cho đất nước. Một số chuyên gia Việt kiều Mỹ tham gia vào đại học hoặc công ty tư nhân chỉ qua kênh quan hệ cá nhân như GS Võ Văn Tới, GS Vũ Hà Văn, BS Lư Doanh Doanh… nhưng cũng có một số trí thức Việt kiều không được trọng dụng.

700.000 người VN có bằng đại học trở lên và có trình độ chuyên môn cao trong số 2 triệu người đang sinh sống, làm việc tại Mỹ. 

Với thực tế hiện nay, chính sách của Chính phủ cần thông thoáng và thực tiễn hơn trong việc kết nối chuyên gia Việt kiều với chuyên gia trong nước dựa trên niềm tin và quyền lợi của quốc gia. Vì vậy, VN cần xây dựng một chương trình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ hiệu quả trên cơ sở các hội thảo về đề tài khoa học và mô hình hoạt động. Những hội thảo hằng năm sẽ thu hút Việt kiều tham gia, tìm hiểu và từ đó họ dấn thân vào việc đóng góp cho đất nước.

Ngoài giới chuyên gia và học giả Việt-Mỹ, hội thảo cần có sự tham gia của các công ty hàng đầu, ngân hàng, viện nghiên cứu VN. Công ty và viện nghiên cứu là nơi đưa ra những nhu cầu cho các chuyên gia Việt-Mỹ làm việc.

VN vẫn chưa có công ty công nghệ đại diện cho hình ảnh VN trong khu vực hoặc tầm vóc quốc tế. Những công ty công nghệ cao sẽ tạo sức mạnh làm gia tăng GDP và kéo cả nền kinh tế tăng cao.

Tiềm năng trí thức Việt kiều tại Mỹ hay các nước khác trên thế giới vô cùng lớn, bản thân các Việt kiều nhận thức trở về cội nguồn và mong muốn có cơ hội giúp đất nước nên cần sớm có một mô hình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ để từ đó đưa tiềm năng hòa vào sự phát triển của đất nước.

Ông Trần Thắng, kỹ sư cơ khí hàng không, làm việc tại công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney trên 15 năm. Ông cũng là chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục VN tại Mỹ, trong 20 năm qua ông có nhiều dự án giáo dục Mỹ cho VN.

Từ năm 2012 đến 2013, ông sưu tập 150 bản đồ cổ Trung Quốc và Hoàng Sa, ba cuốn atlat để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. Ông được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND TP Ðà Nẵng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm