Vì sao TP.HCM đề nghị Thủ tướng cho áp dụng qui định riêng để mở cửa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, đã thông tin về công văn 3165 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa kinh tế.

Theo đó, TP.HCM đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên với điều kiện đặc thù của TP.HCM, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.

Lý giải về lý do đề nghị này, ông Phạm Đức Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số...

“Do đó, chủ tịch UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM” - ông Hải nói.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vaccine cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 25-9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đó, hướng dẫn có ba chỉ số bắt buộc và yêu cầu đánh giá, gồm:

- Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19;

- 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% số xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng;

- Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Hai chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm bốn cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới - tương ứng với màu xanh), cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng), cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam), cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).

Ngoài thông tin về văn bản này, ông Phạm Đức Hải cũng thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. Tính đến 18 giờ ngày 25-9, TP.HCM có 367.081 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Hiện đang điều trị 39.208 bệnh nhân, trong đó có 3.751 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.918 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Riêng trong ngày 25-9 có 3.512 bệnh nhân nhập viện, có 3.495 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 190.573), 131 trường hợp tử vong trong ngày, nâng tổng số tử vong cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 14.378 người.

Từ 18 giờ ngày 24-9 đến 18 giờ ngày 25-9, TP.HCM đã lấy 1.029.604 mẫu xét nghiệm, trong đó có 5.578 mẫu đơn và 44 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.024.025 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25-9 là 9.441.815. Trong ngày 24-9, ngành y tế đã tiêm 242.022 mũi vaccine. Tổng số mũi 1 là 6.814.687, mũi 2 là 2.627.128, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.107.266. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm