Vì sao phải đề nghị Ban Bí thư kỷ luật ông Võ Kim Cự?

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Hà Tĩnh, ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng TN&MT, cùng hai vị thứ trưởng cùng thời do có trách nhiệm, vi phạm liên quan đến dự án thép Formosa. Với các cán bộ cấp thấp hơn, trong thẩm quyền của mình, cơ quan kiểm tra thi hành kỷ luật cách chức luôn.

Nội dung trên được UBKT Trung ương thông qua trong phiên họp thứ 13, kéo dài hai ngày 12 và 13-4, sau khi nghe các tổ công tác báo cáo kết quả các tổ chức đảng kiểm điểm trách nhiệm những cán bộ có trách nhiệm trong vụ việc liên quan đến dự án Formosa và bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật những đương sự này.

Việc kiểm điểm trách nhiệm, bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật này được thực hiện trên cơ sở kết luận của UBKT Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng với các cá nhân liên quan, được thông báo sau kỳ họp 11 hồi giữa tháng 2.

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng TN&MT. Ảnh: Internet

Bộ TN&MT: Thiếu trách nhiệm

UBKT Trung ương nhận định Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011-2016 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Từ đó để Bộ TN&MT và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh trách nhiệm của tập thể lãnh đạo thì ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự. Ngoài ra, ông còn có vi phạm cụ thể là thiếu trách nhiệm khi ký phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bỏ qua sự cảnh báo ảnh hưởng đến môi trường; buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của Công ty Formosa.

Người đồng cấp với ông Tuyến, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cùng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Lai đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, ký giấy phép xả nước thải cho Công ty Formosa.

Cũng ở bộ này còn có ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, có hành vi thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm. Ông Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Tổng cục Môi trường để trình Bộ phê duyệt thay đổi nội dung ĐTM cho Formosa Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh: Ông Cự chịu trách nhiệm chính

Với tỉnh Hà Tĩnh, UBKT Trung ương xác định trách nhiệm cá nhân chính thuộc về ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi Formosa triển khai dự án luyện thép, cũng là nguồn phát thải độc hại gây sự cố môi trường biển nghiêm trọng với bốn tỉnh miền Trung hồi tháng 4-2016.

Ông Cự được kết luận là chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008-2016 và Ban Quản lý khu kinh tế giai đoạn 2008-2010. Cá nhân ông ký nhiều văn bản trái quy định, như cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án. Còn ông Hồ Anh Tuấn chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban Quản lý khu kinh tế giai đoạn 2010-2016. Ngoài ra, ông cũng ký một số văn bản trái quy định, cho phép Formosa khởi công xây dựng trước, hoàn thiện thủ tục sau với một số hạng mục công trình.

Vì sao phải đề nghị lên Ban Bí thư kỷ luật một số trường hợp?

Một chuyên gia về công tác kiểm tra Đảng cho hay theo thẩm quyền, UBKT Trung ương có quyền kỷ luật cảnh cáo, khiển trách với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trừ trường hợp người đó đang là hoặc khi vi phạm là ủy viên trung ương.

Trong vụ việc này, trên cơ sở kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật, UBKT Trung ương không ra quyết định thi hành kỷ luật mà đề nghị Ban Bí thư quyết định với các ông Võ Kim Cự, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai. “Vậy hình thức kỷ luật có thể nặng hơn các mức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách, chẳng hạn như cách chức” - vị chuyên gia này bình luận.

Cũng theo vị chuyên gia trên, ông Nguyễn Minh Quang vì vi phạm trong lúc là ủy viên Trung ương Đảng nên UBKT Trung ương không có thẩm quyền thi hành kỷ luật mà đề nghị Ban Bí thư quyết định. Vậy hình thức kỷ luật có thể từ thấp nhất là khiển trách đến cao nhất là cách chức.

Cũng như vậy, tổ chức đảng cấp cao như Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT thì UBKT Trung ương không có thẩm quyền thi hành kỷ luật mà chỉ đề nghị Ban Bí thư quyết định.

Với các cán bộ cấp thấp hơn, UBKT Trung ương quyết định cách mọi chức vụ trong đảng với ông Lương Duy Hanh ở Tổng cục Môi trường và Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường; cách chức bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đối với ông Hồ Anh Tuấn. Còn với ông Mai Thanh Dung thì trước đó Đảng ủy Bộ TN&MT đã thi hành kỷ luật cách chức ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường và kỷ luật giáng chức về mặt chính quyền với phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường này.

Ở cấp thấp hơn nữa, gồm tập thể Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghiêm túc xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

Sau một năm xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng do dự án thép của Formosa Hà Tĩnh gây ra, đến nay việc xử lý trách nhiệm về mặt đảng với các cá nhân, tổ chức liên quan cơ bản đã rõ.

Về khắc phục hậu quả, Formosa đã chuyển tới Chính phủ khoản bồi thường tương đương 500 triệu USD. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh và bộ, ngành liên quan kiểm đếm thiệt hại, chi trả bồi thường tới từng hộ dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Formosa đã khắc phục 51/53 lỗi trong hệ thống vận hành dự án luyện thép của mình.

Về môi trường biển bốn tỉnh miền Trung, các thông báo mới nhất của Bộ TN&MT đều khẳng định các chỉ số nước biển đều ở mức an toàn. Tuy nhiên, tầng đáy và các dải san hô ở nhiều khu vực đã bị hủy hoại, cần rất nhiều năm nữa để có thể hồi phục. Đây là thiệt hại khó đong đếm ra tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm