Vì sao kiến nghị điều tra 2 vụ liên quan đến Vinashin?

Như PLOđã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và số tiền 4.190 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu (Vinashin/SBIC).

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra xử lý theo quy định hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Thứ nhất là việc lập, sử dụng các chứng từ, tài liệu để rút tiền từ nguồn vốn 4.190 tỉ đồng, gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, nguy cơ thiệt hại 1.050,4 tỉ đồng gửi tại OceanBank.

Thứ hai là việc hỗ trợ hoàn thiện tàu 700TEU NT29 tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, lỗ 456,9 tỉ đồng, thiệt hại số tiền đã hỗ trợ 151,76 tỉ đồng.

Dàn cựu lãnh đạo Vinashin đã bị đưa ra xét xử. Ảnh: ZING

Tài liệu thanh tra cho thấy đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cấp tạm ứng 4.190 tỉ đồng, Vinashin/SBIC không theo dõi riêng đối với nguồn hỗ trợ này mà sử dụng một tài khoản tại OceanbBank theo dõi chung cho tất cả nguồn thu.

Vinashin cũng xây dựng phương án sử dụng vốn có nhiều nội dung thiếu căn cứ, không phù hợp nguyên tắc sử dụng vốn tạm ứng, một số tàu được hỗ trợ từ nguồn 4.190 tỉ đồng nhưng thực tế không triển khai.

Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng, nguồn tạm ứng 4.190 tỉ đồng để Vinashin tập trung phục vụ ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và hoàn thành các hợp đồng đóng tàu dở dang.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận vốn, Vinashin đã sử dụng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trong khi chưa được Thủ tướng cho phép. Đến ngày 30-6-2018 còn dư 1.748,957 tỉ đồng tại Oceanbank (trong đó có 1.050,4 tỉ đồng từ nguồn vốn 4.190 tỉ đồng).

Khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg thì SBIC đã không thu hồi được khoản tiền 1.050,4 tỉ đồng nêu trên gửi tại OceanBank để nộp về Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ nhận định việc này có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn tại Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 15-8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, phải được điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng với một số cá nhân của Vinashin đã chiếm đoạt khoản tiền OceanBank chi lãi suất ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, đang được cơ quan tố tụng xử lý.

“Trách nhiệm chính thuộc về các ông Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch HĐQT/HĐTV Vinashin), Trương Văn Tuyến (Tổng giám đốc), Phạm Thanh Sơn (Phó tổng giám đốc), Trần Đức Chính (Trưởng ban Tài chính kế toán)” - Thanh tra Chính phủchỉ rõ.

Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, một số khoản hỗ trợ hoàn thiện tàu dở dang nhằm giảm lỗ, giảm thiểu thiệt hại nhưng không thu hồi được nguồn tiền tạm ứng, thậm chí tại một số tàu không những không có hiệu quả, không thu hồi được vốn, thậm chí còn thiệt hại lớn hơn so với không đầu tư thêm (tàu 700TEU-NT29 tại Công ty Nam Triệu; tàu 4000T tại Công ty Bến Thủy).

Trong số này, việc hỗ trợ hoàn thiện “tàu 700TEU-NT29 tại Công ty Nam Triệu gây thiệt hại số tiền 151,76 tỉ đồng cần phải được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hiệu quả của việc tạm ứng nguồn vốn 4.190 tỉ đồng để hỗ trợ hoàn thiện các tàu thấp, không đúng như phương án trình, nhiều khoản hỗ trợ không đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ để giảm lỗ, giảm thiểu thiệt hại, thu hồi được nguồn tiền tạm ứng, thậm chí tại một số tàu cho thấy việc hỗ trợ vốn không những không có hiệu quả mà còn dẫn đến thiệt hại hơn so với không đầu tư” - Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm