Vì sao giá cả tăng cao trước khi TP.HCM giãn cách xã hội?

Chiều 9-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ chị 16 của Thủ tướng trên địa bàn từ 0 giờ ngày 9-7.

Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Công thương về giá cả hàng hóa tăng cao trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, về phương thức để tổ chức cho người dân mua bán hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm trong điều kiện nhiều chợ truyền thống đóng cửa.

Nhu cầu tích trữ hàng hóa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng. Ảnh: TÚ UYÊN

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết dù đã lên các kịch bản trước cho biến động giá cả, thị trường trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng Sở Công thương vẫn “lực bất tòng tâm” trước  tình huống trên.

Lý giải về hiện tượng tăng giá mạnh trước thời điểm TP giãn cách xã hội, ông Phương cho biết có nhiều nguyên nhân như do điều chỉnh giá xăng dầu, đóng cửa chợ đầu mối, thay đổi phương thức vận chuyển dẫn đến chi phí sản phẩm tăng.

Ngoài ra, thời gian kiểm dịch tăng lên khi người từ TP.HCM đến và về từ địa phương khác cũng khiến việc vận chuyển gặp khó khăn.

Cũng theo ông Phương, với việc nhu cầu tích trữ của người dân tăng cao, sức mua lớn dồn lên hệ thống phân phối tại các chợ khiến tiểu thương đẩy giá trong thời điểm khách đông mà hàng thiếu. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra trong một số thời điểm nhất định và nhanh chóng được bình ổn.

Để xử lý vấn đề này, ông Phương cho biết Thanh tra Sở Công thương cùng các phòng chức năng sẽ tăng cường đi thực tế và phối hợp với Cục Quản lý thị trường tập trung rà soát các chợ truyền thống, xử phạt nghiêm các trường hợp lợi dụng khó khăn của dịch bệnh để đẩy giá.

Để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách, ông Phương cho biết Sở Công thương yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng tiếp nhận, phân phối nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố. Sau đó, huy động hội phụ nữ, thanh niên, hoặc tiểu thương các chợ đang bị đóng cửa… cùng đứng ra nhận hàng hóa này phân phối cho người dân.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng quy định trong trường hợp quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống nào đó, phải kiếm một mặt bằng phù hợp quanh đó để Sở chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng di động phục vụ người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm