Vì sao cổ phần hóa chưa hút đại gia nước ngoài?

Sáng 8-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) từ góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài. Các ý kiến cho rằng quá trình CPH hiện tại đang nhận sức ép mạnh nhưng lại thiếu động lực, trong đó việc hạn chế tỉ lệ nắm giữ cổ phần đã khiến nhà đầu tư ít mặn mà với quá trình CPH.

Chậm do lãnh đạo lo mất ghế?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2011 đến 2015 cả nước đã CPH được 508 DN. Tổng số vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt của 508 DN là gần 198.200 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65%, nhà đầu tư chiến lược nắm 15,8%, bán công khai 16,7%...

Trong năm 2016, đã có 58 DN được phê duyệt phương án CPH với tổng vốn điều lệ là gần 24.800 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm 49,1%, bán nhà đầu tư chiến lược 31%, bán công khai 18%... Riêng từ đầu năm đến nay có 33 DN được phê duyệt phương án CPH với vốn điều lệ 25.500 tỉ đồng, trong đó Nhà nước giữ 48,8%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%...

Theo ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), mặc dù việc CPH DNNN đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh sự phát triển thị trường vốn… nhưng vẫn còn nhiều tồn tại như tiến độ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế CPH DNNN chưa hoàn thiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các DN 100% vốn thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn, rà soát lại cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, CPH gắn với quyền sử dụng đất để tránh tình trạng bị lợi dụng, thất thoát vốn nhà nước...

Ông Long cho hay nguyên nhân chủ quan của những tồn tại trên do nhiều cơ quan nhà nước chưa tích cực CPH DNNN, nhiều DN CPH thuộc đối tượng tham gia thị trường chứng khoán sau IPO chưa lên sàn tập trung khiến niềm tin nhà đầu tư bị ảnh hưởng. “Một bộ phận cán bộ có tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và lãnh đạo sau CPH, làm ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình CPH” - ông Long nói.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ tồn tại của công tác CPH là tỉ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng thấp. Mặt khác, số lượng DNNN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối lớn làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Và đây chính là rào cản làm chậm quá trình CPH.

Đến cuối năm 2011, Ngân hàng Vietcombank mới bán thành công đợt 1 với mức 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật. Ảnh: HTD

Hai trở ngại lớn nhất

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư, hạn chế cung cấp thông tin, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện và định giá thiếu thực tế, không phản ánh giá trị của DN… chính là nguyên nhân khiến việc CPH DNNN kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Tony Foster, Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields (Anh), cho rằng thực tế các nhà đầu tư ngoại gặp trở ngại nhất trên con đường trở thành đối tác chiến lược của các “ông lớn” nhà nước ở khâu đàm phán giá và tỉ lệ mua.

Ví dụ như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bán lần đầu và lần hai đều không thành công cùng vì lý do không thỏa thuận được giá. Phải mất gần năm năm chờ đợi, đến cuối năm 2011 ngân hàng này mới bán thành công đợt 1 với mức 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật. Hay MobiFone lần đầu lên kế hoạch bán vốn cách nay đã 12 năm nhưng đến nay nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi đi mà chưa tiến triển nào rõ nét. Hay trường hợp của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) dù kế hoạch bán 20% cổ phần cho cổ đông chiến lược từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn phải trì hoãn.

“Nguyên do các giao dịch bán cổ phần chiến lược của ông lớn nhà nước chưa hiệu quả, là tỉ lệ chào bán nhỏ, quy trình không minh bạch, tài sản và các quyền không rõ ràng, giá bán khó thỏa thuận do việc định giá chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Cần làm rõ tài sản nào được tính vào giá trị công ty, đất đai thì sao. Trong khi giá niêm yết thì chỉ dựa vào một phần rất nhỏ cổ phần trên sàn nên dễ bị thao túng” - ông Tony nói.

Ông Johnathan Ooi, Giám đốc Công ty Pricewaterhouse Coopers, cho hay tâm lý chung của các đối tác mà ông tham gia tư vấn khi muốn đầu tư làm cổ đông chiến lược với các DN CPH là mong mỏi gắn bó lâu dài để cùng phát triển DN chứ không chỉ mua cổ phần để thu phần lợi nhuận giá cổ phiếu. “Đa số họ muốn được tham gia ban điều hành, cao hơn nữa là quyền kiểm soát DN có tiếng nói đủ sức nặng trong nâng cao quản trị DN. Cho nên một khi chỉ bán cho họ ở mức 10%, 15%, 20% thì động cơ của họ không đủ cao” - ông Johnathan Ooi nói.

Nghịch lý 96,5% và 8%

Theo các chuyên gia, nghịch lý của quá trình CPH DNNN là mặc dù có tới 96,5% DN đã được CPH nhưng chỉ có 8% vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Tức Nhà nước chỉ cho phép bán vốn nhà nước hạn chế. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bị loại khỏi quyền tham gia điều hành, chưa nói đến quyền chi phối DN. Và đây chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ít mặn mà với quá trình CPH DNNN.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, chia sẻ: “Hiện nay quá trình CPH có sức ép rất mạnh nhưng lại thiếu động lực. Các quyết định, các nghị quyết, chỉ đạo… tất cả đều có sức ép lớn về thời gian. Gậy có, cà rốt không có cho nên khó có được quá trình CPH, chủ động tích cực từ phía nhà đầu tư cũng như DN, dẫn đến quá trình này chậm chạp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm