Vật tư y tế chống COVID-19, TP.HCM xin cơ chế đặc thù, Chính phủ đồng ý

Ngày 26-8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề nghị xin cơ chế đặc thù đối với hàng hóa phục vụ chống dịch COVID-19 của TP.HCM.

Trước đó, hôm 20-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng gửi văn bản trình Thủ tướng xin được áp dụng cơ chế đặc thù đối với thủ tục tiếp nhận, thông quan hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo UBND TP.HCM, COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tác động tiêu cực đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện nay, nhiều cơ quan Chính phủ các nước, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cá nhân... đề nghị viện trợ cho thành phố chống dịch. Các vật tư viện trợ gồm hàng hóa, trang thiết bị y tế, thuốc, vaccine nhằm chi viện cho các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến điều trị tập trung COVID-19 ở thành phố.

Tuy vậy, quá trình tiếp nhận viện trợ hàng hóa đã có một số khó khăn phát sinh. Chẳng hạn thời hạn, thủ tục cấp giấy phép thuốc và trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu mất từ 15 ngày hoặc 60-90 ngày (đối với thuốc). Các đơn vị tiếp nhận tài trợ gặp khó khăn vì không nắm được quy trình nên càng mất nhiều thời gian hơn.

Hay với thiết bị y tế và xe cứu thương đã qua sử dụng cũng gặp khó khăn vì theo quy định của Bộ Y tế thì chỉ nhập các mặt hàng này về để nghiên cứu, đào tạo, không được thực hành trên người hay chẩn đoán, điều trị. Trong khi đó, thành phố lại đang có nhu cầu lớn về xe cứu thương và trang thiết bị y tế hỗ tợ bệnh nhân như máy thở chức năng cao… để tổ chức vận chuyển và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng.  

Mặt khác, các chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là quà biếu, quà tặng không được miễn thuế giá trị gia tăng, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được cũng phải mất nhiều thời gian theo quy định hiện hành để được miễn thuế này; hàng hóa mua từ nước ngoài hỗ trợ phòng, chống COVID-19 cũng không được miễn thuế.

Từ đó, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành xem xét giải quyết những khó khăn từ cơ chế, chính sách hiện hành ấy.

Các đề xuất của UBND TP.HCM gồm: Bộ Y tế ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; giao cơ quan có thẩm quyền hoặc được ủy quyền tại TP.HCM cấp giấy phép nhập khẩu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt cơ chế tạm thời cấp giấy phép nhập khẩu các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cơ chế tạm thời cấp giấy phép nhập khẩu đối với xe cứu thương đã qua sử dụng.

Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng cho áp dụng chính sách thuế đặc thù đối với hàng hóa nhập khẩu tài trợ cho thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tinh thần của Chính phủ qua ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái là đồng ý với các đề nghị của TP.HCM. Theo đó, Bộ Y tế được giao được giao xem xét đề nghị của TP HCM, chủ động có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề theo thẩm quyền và quy định hiện hành để tháo gỡ khó khăn. Nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì đề xuất báo cáo Thủ tướng trong tháng 8-2021.

Các bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan khác để xem xét các kiến nghị của TP.HCM theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng trong tháng 8-2021.

Sắp có Nghị quyết miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống COVID-19 để trình Thủ tướng sớm.

Hôm 25-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký trình dự thảo Nghị quyết lên Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến của một số thành viên Chính phủ.

Trước đó, giữa tháng 7-2021, Bộ Tài chính nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhân có kiến nghị của Vingroup về cơ chế xử lý các vấn đề về thuế áp dụng cho các hàng hóa liên quan đến hỗ trợ phòng chống COVID-19 (do khả năng dịch bệnh kéo dài) để tạo điều kiện xử lý nhanh, tránh phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng lần.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến các Bộ Y tế, Tư pháp, Công Thương.

Các bộ sau đó đã thống nhất trình Chính phủ ban hành Nghị quyết áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, các tỉnh, thành… phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm