VAMA đề nghị hoãn thu phí lưu hành ôtô

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đã gửi văn bản lên các cơ quan bộ ngành đề nghị hoãn thu phí lưu hành như trong đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Theo lập luận của VAMA, việc điều tiết sử dụng phương tiện cá nhân bằng cách thu phí có thể gây ra các tác động không nhỏ đến toàn bộ ngành công nghiệp ôtô vả người dân.

VAMA đề nghị hoãn thu phí lưu hành ôtô ảnh 1
Doanh số bán xe chậm lại rõ rệt sau khi áp dụng mức thuế trước bạ mới vào đầu năm nay. Ảnh: Hoàng Hà
Thống kê cho thấy, phí trước bạ và phí cấp biển vừa tăng gần đây đã khiến doanh số bán xe sụt giảm mạnh tới 60%. Trong khi thị trường vẫn chưa tìm ra hướng phục hồi, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất thêm phí lưu hành, vừa được đề nghị đổi tên thành phí hạn chế phương tiện cá nhân, với mức thu từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi năm. "Đây là mức phí rất cao so với thu nhập hiện tại và khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng Việt Nam, kể cả những người hiện tại đang sở hữu xe và những người đang và sắp có khả năng mua xe", VAMA khẳng định. Bên cạnh việc gây bất lợi cho doanh số bán, việc thu phí này còn mâu thuẫn với các chính sách phát triển ngành, VAMA khẳng định. Cách đây chưa lâu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa công nghiệp ôtô trở thành một trong những ngành mũi nhọn vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp về phí trên, năm 2012 và 5 năm tới, sản lương xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ dao động quanh 135.000 đến 145.000 xe mỗi năm, tương đương toàn năm 2011. Do đó, mục tiêu trên khó có thể đạt được. Chưa hết, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ bị ảnh hưởng trong khi vừa năm ngoái Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định ưu tiên phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ôtô. Tiêu thụ ô tô cá nhân là cơ sở để ngành công nghiệp ôtô phát triển. Các quốc gia trên thế giới thường chỉ áp dụng các chính sách hạn chế lưu thông ôtô đối với những thành phố lớn, khu đông dân cư, chứ không hạn chế lưu thông và tiêu dùng ôtô một cách đại trà. "Ngoài ra, mức phí thu phải đảm bảo tính công bằng, không đánh đại trà tất cả các xe như nhau dù sử dụng nhiều hay ít, dù ở thành phố hay nông thôn. Mức phí cũng phải tính tới khả năng chi trả, thu nhập của người dân trong từng giai đoạn phát triển", văn bản của VAMA viết. Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ tạo áp lực nặng lên đời sống người dân vì họ không thể dừng nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân khi các phương tiện công cộng chưa phát triển hoặc chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thì quan trọng nhất là cần phát triển cơ sở hạ tầng, và từng bước phát triển mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô nhận định.
Theo Thanh Bình (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm