Ưu tiên chi ngân sách cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội

Tại Hội nghị toàn quốc về Kế hoạch và Đầu tư diễn ra tại TP Đà Nẵng trong ngày 7-8, Bộ KH&ĐT cho biết, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Xử phạt nếu phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

Mục tiêu cụ thể, là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 là  6,5-7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho hay, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn nhằm đảm bảo tính chất căn cơ, lâu dài, hạn chế cơ chế xin - cho đối với đầu tư công. “Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ giúp bộ, ngành, địa phương chủ động phân bổ nguồn lực, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công”, Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.

Theo ông Thu, chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công…

“Các địa phương phải phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31-12-2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1-1-2015 thì các bộ, ngành và địa phương sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Luật Đầu tư công”, ông Thu nhấn mạnh.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình. Giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là : Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến năm 2020 thì phải phấn đấu thu nội địa đạt 80%. Bởi vậy, Chính phủ và các bộ ngành phải cơ cấu lại chi. Ưu tiên dành nguồn chi để cải cách tiền lương, đảm bảo chi cho an sinh xã hội. “Chi thường xuyên phải triệt để tiết kiệm”, ông Nghiệp cho hay.

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cũng cho biết, hiện TP đang phải chi từ 65-70% giành cho giải tỏa đền bù. “Ở TP.HCM mà xây dựng một km đường thì bằng các địa phương khác làm 3-4 con đường. Có những con đường chúng tôi chỉ làm 4km thôi nhưng phải đền bù tới 1.200 tỷ đồng. Mặc dù việc chi cho đền bù giải tỏa là rất lớn như vậy nhưng nếu không làm thì không được”, ông Quân nói.

Đồng thời, ông Lê Hoàng Quân cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương phải hết sức quan tâm tới khai thác các thị trường khác để tránh lệ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc. Đặc biệt, Chính phủ cần phải siết chặt và không nên cho phép nhập khẩu các thiết bị của Trung Quốc. Bởi dù hàng nhập khẩu của Trung Quốc có mới 100% đi nữa thì chất lượng rất kém, không bằng hàng nhập của các nước khác. Thiết bị của các nước khác có đắt hơn hàng của Trung Quốc nhưng chất lượng rất tốt, thời gian sử dụng lâu hơn và công nghệ hiện đại hơn.

  LÊ PHI   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm