Ứng viên Trung ương khóa XIII được giới thiệu thế nào?

Theo thông tin chúng tôi nắm được, ngày 15-8, về cơ bản các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan, đơn vị trung ương đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm để giới thiệu người tham gia Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII. Đây là bước đầu của một quy trình nhiều bước, nhiều lớp, trước khi hoàn tất danh sách ứng viên để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bỏ phiếu quyết định.

Đủ tuổi là quan trọng nhưng không phải duy nhất

Quan sát công tác làm nhân sự khóa trước, chuẩn bị cho Đại hội XIII, cũng như công tác xây dựng phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII, chúng tôi nhận thấy mặc dù điều kiện về tuổi là quan trọng nhưng không phải tất cả ủy viên Trung ương đương nhiệm, còn đủ tuổi để tái cử thì đều đương nhiên được giới thiệu tái cử.

Như ở khóa này, để chuẩn bị cho các tỉnh, thành, cơ quan trung ương giới thiệu nhân sự của mình, Tiểu ban nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng tiểu ban đã phải tập hợp và trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua một danh sách các ủy viên Trung ương còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện được quy định trong phương hướng công tác nhân sự đã được Hội nghị Trung ương 12 thông qua.

Trong các tiêu chuẩn này, người đứng đầu Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiên quyết không để “lọt” vào Trung ương người có biểu hiện cơ hội chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hay “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cũng không để “lọt” những người có biểu hiện chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau, xin phiếu giới thiệu, phiếu bầu…

Trung ương lần này cũng không chấp nhận những người kê khai tài sản không trung thực, giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản có giá trị lớn mà không giải trình được rõ nguồn gốc. Vợ (chồng), con họ mà vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống thiếu gương mẫu, làm ảnh hưởng uy tín cơ quan, đơn vị nơi người thân công tác… thì cũng là yếu tố cần cân nhắc khi làm nhân sự.

Những ủy viên Trung ương đương nhiệm mà vừa qua bị kỷ luật, nhất là tới mức cảnh cáo thì dù còn tuổi công tác vẫn được Bộ Chính trị xem xét, sàng lọc, trước khi đưa vào danh sách gửi về cơ sở làm thủ tục lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu tái cử.

Đây cũng là điều kiện chung với nhân sự thuộc diện lần đầu vào Trung ương. Trên cơ sở danh sách cán bộ cấp chiến lược đã được quy hoạch, Tiểu ban nhân sự phải rà soát, trình Bộ Chính trị xem xét, phân bổ số lượng để thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức giới thiệu nhân sự BCH Trung ương khóa XIII.

Các đại biểu đang bỏ phiếu kín tại Hội nghị thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự tham gia BCH Trung ương Đảng khóa XIII, được Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức ngày 12-8. Ảnh: baothaibinh.com.vn

Tái cử - quy trình hai bước

Tin từ các hội nghị giới thiệu nhân sự tiến hành những ngày qua cho biết có hai quy trình riêng với nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Trung ương.

Cụ thể, nhân sự tái cử, gồm cả ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết đương nhiệm thì tại đơn vị nơi họ đang công tác, quy trình giới thiệu được thực hiện theo hai bước, đều dưới hình thức hội nghị, bằng bỏ phiếu kín.

Hội nghị thứ nhất, thành phần tham dự ở các tỉnh là Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy; ở các bộ là Ban cán sự đảng. Hội nghị thứ hai, cũng là bước 2, thành phần dự, lấy phiếu rộng hơn: Ở tỉnh, thành là cả BCH đảng bộ, ở các bộ là Ban cán sự đảng và tập thể lãnh đạo các đơn vị trong bộ.

Lần đầu - quy trình năm bước

Còn với nhân sự lần đầu tham gia Trung ương thì quy trình chặt chẽ hơn với năm bước, tương tự như Quy định 105 ban hành năm 2017 và Chỉ thị 35 ban hành năm 2019 - đều của Bộ Chính trị.

Bước 1, Ban Thường vụ ở tỉnh, thành ủy; Ban cán sự đảng hoặc tập thể lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị trung ương trên cơ sở số lượng được Bộ Chính trị phân bổ và nguồn cán bộ đã được quy hoạch Trung ương tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp, thông qua danh sách dự kiến những nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chung.

Bước 2, trên cơ sở danh sách đã lập được ở bước 1, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để bỏ phiếu kín.

Thành phần tham dự ở các tỉnh, thành ủy là BCH đảng bộ cùng các chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; trưởng các ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; bí thư các đảng bộ trực thuộc và người đứng đầu UBND, HĐND cấp huyện trên địa bàn.

Ở các bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương là Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, cùng cấp trưởng, phó các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể…

Ở bước 2 này, những người tham gia hội nghị đều có quyền đề cử. Nhưng người được đề cử phải đạt số phiếu ủng hộ tối thiểu 50%, lấy từ cao xuống thấp cho đạt số lượng được phân bổ…

Bước 3, trên cơ sở kết quả bước 2, một hội nghị được tổ chức với thành phần hẹp hơn để thảo luận, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Thành phần hội nghị ở tỉnh là BCH đảng bộ; ở các bộ, cơ quan trung ương là Ban cán sự đảng mở rộng thêm cấp trưởng các đơn vị trực thuộc, thường vụ đảng ủy cơ quan.

Ở bước này, những người dự họp cũng giới thiệu những ứng viên đã vượt qua vòng trước và cả những người mà mình thấy có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tất cả được lấy phiếu và lấy từ cao xuống thấp trong số những người đạt quá bán, tới đủ số lượng được phân bổ.

Bước 4, trên cơ sở kết quả của bước trước đó, một hội nghị lãnh đạo hẹp hơn được tổ chức để giới thiệu bằng phiếu kín.

Ở các tỉnh, thành, thành phần dự họp là Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy; ở các bộ, cơ quan trung ương là tập thể lãnh đạo mở rộng, gồm Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Thường vụ Đảng ủy cơ quan và các lãnh đạo cấp vụ trưởng.

Tiêu chí lựa chọn vẫn là những ứng viên được ủng hộ quá bán và từ trên xuống tới đủ thì thôi.

Bước cuối cùng, BCH đảng bộ ở tỉnh, thành và Ban cán sự đảng, Đảng đoàn ở các cơ quan trung ương họp, phân tích, đánh giá kết quả ở bốn bước trước đó. Cùng đó là xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh và biểu quyết lần cuối trên cơ sở ứng viên được hội nghị giới thiệu trong phạm vi danh sách được thông qua ở bước 4.

Kết quả cuối cùng được chọn từ những người đạt phiếu giới thiệu quá bán, lấy từ cao xuống thấp cho tới đủ số lượng được phân bổ.

Kết quả của hai quy trình giới thiệu nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Trung ương nêu trên được gửi lên Bộ Chính trị để tiếp tục đánh giá, sàng lọc. Và sẽ còn nhiều thủ tục nữa để có danh sách chính thức trình Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.

Chưa giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy trình giới thiệu nhân sự BCH Trung ương khóa XIII cụ thể hóa tới ba nhóm đối tượng: Tái cử; lần đầu tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và trường hợp “đặc biệt”.

Theo đó, giới thiệu cán bộ tái cử được tiến hành trước, tiếp đó là người lần đầu tham gia, trường hợp “đặc biệt” để sau cùng.

Giới thiệu nhân sự BCH Trung ương xong mới giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII. Sau cùng mới giới thiệu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban bí thư.

Công tác nhân sự mà các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan trung ương vừa hoàn tất theo thời hạn ngày 15-8 là giới thiệu nhân sự BCH Trung ương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm