“Tuyên chiến” với xe quá tải, xe “dù”

“Phải kiểm soát chặt, xử lý mạnh hơn nữa các xe chở quá tải; xe “dù” đi vào trung tâm TP” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo tại cuộc họp về an toàn giao thông (ATGT) sáng 5-3.

Xe chở quá tải tăng

Theo ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, trong năm 2013 tình trạng xe chở quá tải, quá khổ có xu hướng tăng cao (gần 14.590 vụ vi phạm, tăng hơn 16,5% so với năm 2012). Một trong những nguyên nhân chính là các lực lượng chức năng có quân số quá mỏng, kiểm soát chỗ này thì nhà xe lại luồn lách đi đường khác hoặc nằm chờ ở các bãi dọc đường.

“Cạnh đó, việc xử lý mạnh tại một điểm có thể gây ùn tắc trên cả một tuyến đường hoặc khu vực nên nảy sinh tâm lý ngán ngại trong lực lượng kiểm tra. Một khó khăn khác là không có bãi để hạ tải nên một số xe bị phát hiện, xử lý xong vẫn lưu thông trên đường” - ông Phúc nói.

 
Xe chở quá khổ, quá tải trên đường vẫn còn nhiều. Ảnh: L.ĐỨC

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín còn nêu thêm một hiện tượng đáng lo ngại, đó là vào ban đêm xe tải, xe container không chạy theo các tuyến ngoại vi, vành đai mà đi xuyên tâm TP. “Vì sao xe tải, xe container có thể lưu thông các tuyến đường Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai… để về miền Tây gây bất an cho người dân về đêm?” - ông Tín đặt câu hỏi.

Xe khách xộc thẳng vào nội đô

Theo Bến xe Miền Đông và Miền Tây, gần đây có tới 40%-50% lượng xe chở khách liên tỉnh cố định không vào bến hoạt động mà chạy sâu vô nội đô để đón khách. Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67 - Công an TP), nhìn nhận rất khó xử lý loại xe hợp đồng, vận chuyển khách du lịch lữ hành tập trung đón khách ở một số khu vực, tuyến đường. “Pháp luật không cấm thì CSGT làm sao xử” - Thượng tá Trà nói.

Thượng tá Trà cho biết thêm hiện nhiều hãng xe du lịch, lữ hành lách luật bằng cách sử dụng các loại xe 30-45 chỗ, dán mác xe trung chuyển nhưng thực chất là vận chuyển khách đi tuyến cố định về các tỉnh. Trong khi đó, hiện còn thiếu quy định về loại xe trung chuyển và biển báo cấm loại xe 30-45 chỗ dừng, đậu ở một số tuyến đường.

Tăng mức phạt và bêu tên

Để xử lý xe quá tải, ông Đậu An Phúc đề xuất trong khi chưa có bãi hạ tải thì cần tăng mức phạt tiền đối với các xe chở quá khổ, quá tải. Cạnh đó, phải công khai tên doanh nghiệp, chủ, lái xe quá khổ, quá tải lên trang web của Sở GTVT.

Đồng ý với đề xuất trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo các sở, ngành sớm tham mưu cho TP ban hành các quy định phù hợp. Cạnh đó, nhanh chóng cắm biển báo cấm xe tải, xe khách lưu thông hoặc dừng đậu trên các tuyến đường, khu vực có nguy cơ mất ATGT cao.

Với xe buýt, ông Tín chỉ đạo Sở GTVT phải rà soát, bố trí luồng tuyến lại ngay để hạn chế có quá nhiều tuyến, nhiều chuyến xe cùng đi vào trung tâm TP. Về xe chở quá tải, quá khổ, ông Tín chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với CSGT tăng cường kiểm soát, cân kiểm tra tải trọng ngay trước cổng các cảng, khu công nghiệp và trên các tuyến đường.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

“Lạm phạt” không sợ mất lòng

Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67 - Công an TP), nhóm tuổi từ 19 đến 50 chiếm đến gần 70% số vụ thương vong do tai nạn giao thông. Nhưng tại các buổi tuyên truyền về giao thông ở các khu phố thì toàn là trẻ em và người già đi nghe.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch quận Tân Phú, cho biết giáo dục, tuyên truyền để phòng ngừa chung vẫn được quận duy trì nhưng phạt mạnh, phạt nhiều là cần thiết. Gần đây quận Tân Phú bị mang tiếng là “lạm phạt” đến mức người ta bảo nhau: “Tân Phú phạt nặng lắm đó, đi qua mấy tuyến đường của quận đó là phải cẩn thận nghe!”. Ông Tín cho rằng được tiếng dân “chê” như thế thì nên mừng vì thực hiện nghiêm pháp luật đã tạo sự răn đe và chuyển biến ý thức chấp hành trong dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm