Tuyên án một đằng, ra bản án một nẻo

Ngày 3-1, Huỳnh Bá Độ, Huỳnh Ngọc Hân và Lê Quốc Huy rủ nhau đi dự đám cưới tại nhà rông một làng ở xã Ya Hội, Đak Pơ (Gia Lai). Lúc này có cô L. cùng đến ngồi chung bàn, uống rượu với cả nhóm.

Xâm hại gái làng

Thấy cô L. có vẻ thoải mái, dễ dãi trong giao tiếp nên sau khi tiệc cưới tàn, khoảng 22 giờ cùng ngày, Độ bảo cả nhóm rủ cô L. xuống khu vực sân trường mẫu giáo gần đó chơi. Tại khu vực sân trường, Độ có hành vi sàm sỡ với cô L. thì bị cô L. phản ứng. Dù vậy, cả ba thanh niên háo sắc này không dừng lại mà dùng sức mạnh khống chế, ẵm cô L. đưa xuống bờ suối rồi lần lượt xâm hại nạn nhân.

Bốn ngày sau, cha của cô L. biết chuyện nên đã viết đơn tố cáo gửi Công an huyện Đak Pơ. Sau đó, Độ, Hân và Huy bị khởi tố, truy tố về tội hiếp dâm theo Điều 111 BLHS. Ngày 25-6, TAND huyện Đak Pơ đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Độ sáu năm tù, Hân năm năm tù và Huy 24 tháng tù.

Tự tiện thay đổi mức án

Vụ án này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như sau đó Chánh án TAND huyện Đak Pơ Lê Thị Nghĩa, chủ tọa phiên tòa, không phát hành một bản án khác với bản án mà tòa đã tuyên. Cụ thể là hình phạt của hai bị cáo Độ và Hân trong bản án phát hành được thay đổi theo chiều hướng nặng hơn so với lúc tuyên án: Độ từ sáu năm tù; lên thành bảy năm sáu tháng tù, Hân từ năm năm tù lên thành bảy năm tù.

Việc tòa tự tiện thay đổi hình phạt đã tuyên đối với hai bị cáo là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Vì vậy, cả hai hội thẩm nhân dân trong thành phần hội đồng xét xử vụ án là ông Lê Trọng Kỳ - cán bộ Phòng Giáo dục huyện Đak Pơ và ông Trần Xuân Tỉnh - Chủ tịch UBND xã Đak Pơ đều bảo lưu nội dung như lúc tuyên án. Hai vị hội thẩm này đều đã từ chối ký vào biên bản nghị án và bản án phát hành do thư ký tòa đưa sau đó.

Ông Tỉnh cho biết: “Lẽ ra nếu TAND huyện thấy hình phạt đối với hai bị cáo Độ, Hân quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội thì nên trao đổi để VKS huyện kháng nghị cho TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Đằng này, tòa tuyên án một đằng lại phát hành bản án một nẻo là không đúng”.

Cần kháng nghị giám đốc thẩm

Làm việc với chúng tôi, Chánh án TAND huyện Đak Pơ Lê Thị Nghĩa chỉ lý giải được rằng đây là vụ án xét xử tăng thẩm quyền đầu tiên về hình sự của tòa này “nên cũng có những lúng túng”.

Cũng cần nói thêm, hai bị cáo Độ và Hân đều có nhân thân rất xấu: Độ có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản; Hân có một tiền án về tội cố ý gây thương tích và hiếp dâm. Vì vậy, việc cần phải có một bản án nghiêm khắc đối với Độ và Hân là thích đáng. Tuy nhiên, không thể vì đã lỡ tuyên mức án nhẹ mà TAND huyện Đak Pơ lại có quyền ra một bản án trái pháp luật trong khi vẫn có những cách sửa sai đúng quy định.

Hiện nay, bản án sơ thẩm trên đã có hiệu lực pháp luật. Để đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác, vụ án này rất cần được chánh án TAND tỉnh, viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Đak Pơ để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả NGUYỄN DĨNH THÔNG (TP Pleiku, Gia Lai, e-mail: nguyncongly@ymail.com):

Đọc bài báo này, tôi vô cùng ngạc nhiên, không ngờ có việc làm tùy tiện như vậy. Với tư cách là chánh án một tòa huyện và là thẩm phán ngồi xét xử, bà Nghĩa đã dựa vào văn bản pháp luật nào mà tuyên án lệch với ra bản án như vậy? Xử án mà không nắm được quy trình tố tụng, không nắm được luật, thiết nghĩ bà Nghĩa nên dũng cảm từ chức.

LÊ VĂN NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm