Tướng Lê Chiêm giải thích về quân đội làm kinh tế

Ngày 14-11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc bộ đội làm kinh tế. Tại tổ TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay ông cùng nhiều ĐB băn khoăn về điều 16 dự thảo với nội dung “kết hợp kinh tế với quốc phòng”. Theo ông, nghị quyết của Đảng đã nêu rõ những gì không cần thiết thì lực lượng vũ trang chuyển sang cho các ngành khác quản lý, dân sự hóa nó đi.

Vì vậy, ĐB Nghĩa đề nghị bổ sung nguyên tắc lực lượng quốc phòng không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng. Ví dụ như kinh doanh khách sạn, phục vụ massage, xây dựng nhà ở để bán… ĐB Nghĩa cho rằng toàn dân, đặc biệt là Nhà nước, phải có nghĩa vụ bảo đảm kinh phí cho quân đội hoạt động. Điều này nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng để không phân tán nguồn lực, đặc biệt là xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân, xã hội đối với quốc phòng.

“Nếu người dân thấy anh mặc quân phục, xe biển đỏ, anh kinh doanh này kia rồi lại giàu có lên rất nhiều thì niềm tin bị ảnh hưởng. Nhất là trong lúc kinh doanh thuần túy này anh lại có sai phạm thì ảnh hưởng ngay đến uy tín, tình cảm của người dân đối với quân đội” - ông Nghĩa nói và nêu quan điểm khu vực kinh tế quốc phòng đồng thời cũng phải là khu vực phòng thủ.

ĐB Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM, thì có ý kiến khác. Ông dẫn chứng việc trước đây động viên người dân lên những vùng khó khăn trồng cây cao su. Theo đó, từ sau thống nhất đất nước, quân đội đã mời gọi nhưng bao nhiêu năm không có người dân lên những vùng đó. Sau đó, bộ đội đã lên xây dựng những doanh trại ban đầu, định hình những rừng cao su, cày cuốc qua một thời gian mới hình thành mặt bằng như bây giờ, mới làm kinh tế, dân mới dần di cư lên...

Tuy nhiên, dù lên tiếng ủng hộ chủ trương bộ đội làm kinh tế kết hợp với phục vụ mục đích quốc phòng an ninh nhưng ĐB Nguyễn Văn Chương cũng khẳng định nếu lợi dụng việc này để làm sai, phục vụ lợi ích nhóm, làm mất uy tín quân đội thì không chấp nhận được.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, cho rằng bộ đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chứ không riêng quân đội. Theo ông, vấn đề này phải nghĩ về lâu dài vì kinh tế mạnh, quốc phòng mới mạnh, còn kinh tế yếu kém, quốc phòng cũng yếu kém.

Quân đội không làm kinh tế đơn thuần

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm, khẳng định kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong phát triển kinh tế-xã hội là quan điểm xuyên suốt.

“Với nguồn ngân sách hạn hẹp, nếu dựa hẳn vào Nhà nước thì ngân sách làm sao gánh nổi. Quân đội tự làm ra kinh tế để phát triển quốc phòng, cái đó là tốt và rất cần thiết” - Thượng tướng Lê Chiêm nói.

Tướng Lê Chiêm giải thích về quân đội làm kinh tế ảnh 1
Thượng tướng Lê Chiêm.

Cũng theo ông Chiêm, quân đội có 88 doanh nghiệp (DN). Theo đề án đổi mới DN và đề án cổ phần hóa, quân đội sẽ chỉ còn 17 DN vốn nhà nước. Về lâu dài, những DN làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng thì “dứt khoát là nghỉ”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm