Từ vụ lợi dụng tuần hành để cướp phá, nghĩ về "món nợ" Luật Biểu tình

Những cuộc tuần hành mấy ngày qua cho thấy đã có những tiêu cực do một số người kích động và tâm lý đám đông. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi quan sát các cuộc tuần hành này. 

Ai làm trái luật đều bị xử lý thích đáng

. Phóng viên: Ông có nhận xét gì về những cuộc tuần hành trong thời gian gần đây để phản đối việc Trung Quốc (TQ) đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

Từ vụ lợi dụng tuần hành để cướp phá, nghĩ về "món nợ" Luật Biểu tình ảnh 1
 
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, những cuộc tuần hành đầu tiên diễn ra ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Những cuộc tuần hành ấy cũng diễn ra một cách ôn hòa, trật tự, yêu sách đúng mức, không quá khích, không có biểu hiện hiếu chiến… Những khẩu hiệu nêu ra cũng thể hiện văn hóa, dân trí của chúng ta như: “Trung Quốc hãy rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam!”, “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”… Đây là hành vi của nhân dân biểu lộ sự phẫn nộ khi thấy đất nước bị xâm phạm. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy các tầng lớp khác nhau của nhân dân ta đã gác bỏ những riêng tư và bất đồng để cùng đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Những cuộc tuần hành như thế đáng trân trọng và cần sự trợ giúp của Nhà nước.

 . Còn những cuộc tuần hành những ngày gần đây, bắt đầu từ Bình Dương?

+ Những cuộc tuần hành quá khích ở Bình Dương lan ra các tỉnh khác đã có biểu hiện đập phá tài sản, huy động công nhân đình công nghỉ việc, cản trở hoạt động doanh nghiệp, xô xát… Đây là một câu chuyện khác, theo thông tin tôi nghe được, có thể là do một số phần tử kích động, xúi giục, không nhằm mục tiêu biểu thị lòng yêu nước hay phản đối TQ, họ có thể có những ý đồ khác mà cơ quan chức năng đang tìm hiểu. Những hành vi bạo động trong các cuộc tuần hành này rõ ràng đã vi phạm pháp luật và phải bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Cần phải phân biệt người dân TQ đi làm ăn hay đi du lịch sang Việt Nam không phải là những người xâm lấn vùng biển Việt Nam. Cũng như trước đây khi chúng ta kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chúng ta luôn luôn khẳng định những điều sai trái là do giới cầm quyền hiếu chiến gây ra, nhân dân Pháp, Mỹ không có lỗi, thậm chí nhân dân họ còn xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Nhiều công nhân Esquel Garment (Bình Dương) lập hàng rào ngăn chặn những kẻ quá khích tiến vào công ty trong cuộc tuần hành vừa qua. Ảnh: Nguyệt Triều

Mỗi người chúng ta cần hiểu một quy tắc tối thiểu của luật pháp là: Thậm chí khi xuất phát từ một động cơ tốt hay để biểu thị một tình cảm tốt đẹp nhưng nếu hành động trái pháp luật đều phải bị xử lý thích đáng. Tôi tin những người tuần hành hiểu chuyện đó nhưng trong đám đông không tránh khỏi có lúc bị kích động, lây lan. Khi tuần hành hay tụ tập, cần giữ vững thái độ đúng mực, ôn hòa đúng với mục đích tốt đẹp ban đầu, không để bị xúi giục, khích bác dẫn đến vi phạm pháp luật. Kinh nghiệm thực tế cho thấy những hành vi quá khích luôn dẫn đến những hậu quả xấu, gây thiệt hại cho xã hội và cho chính những người gây ra.

Phải hướng đến đúng đối tượng

. Khi tham gia tuần hành, người dân trang bị những gì?

+ Khi tuần hành chống TQ xâm lấn biển, đảo Việt Nam, người dân cần xác định rõ mục đích tuần hành là bảo vệ chủ quyền, đồng thời giữ gìn hòa bình, tình hữu nghị, không phải muốn xảy ra chiến tranh. Không nên hướng sai đối tượng, đẩy vấn đề đi lệch, thậm chí phản tác dụng. Biểu thị lòng yêu nước là quyền hiến định, tuy nhiên mọi việc phải đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp, không xâm phạm lợi ích hợp pháp của người khác. Đó là đòi hỏi tối thiểu của mỗi công dân trong khi hành xử bất cứ việc gì trong một xã hội có pháp luật.

Những hành vi bột phát mang tính chất cực đoan, kích động mang tính bạo động phải được ngăn chặn ngay và Nhà nước, và cả người dân, phải có trách nhiệm ngăn chặn.

. Trong một cuộc tuần hành với hàng ngàn người, không thể ai cũng giống ai về tính mục đích, thưa ông?

+ Mỗi người tuần hành cần có ý thức và trách nhiệm công dân đúng mực. Phải vì cái chung và nhằm vào mục đích chính đáng. Chẳng hạn, trong đợt tuần hành chống lại việc TQ xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mà có những người kết hợp mục đích khác của mình vào đây (ví dụ nêu những yêu sách về chính trị hay kinh tế đối với Chính phủ) là không nên chút nào, bởi chúng ta đang dồn sức tập trung cho một mục tiêu cấp thiết của dân tộc, còn những chuyện khác thì để lúc khác, theo cách khác, phù hợp với luật pháp.

. Xin cảm ơn ông.

THANH MẬN thực hiện

 

Cần sớm có luật liên quan để tạo nề nếp

. Thực tế những cuộc tuần hành vừa qua, ông có thấy cần thiết phải có luật biểu tình để điều chỉnh những tiêu cực phát sinh?

+ Theo tôi chính nhờ có luật mà người dân có hành lang pháp lý, Nhà nước có phương tiện để kiểm soát và xử lý.Ví dụ, luật biểu tình có thể quy định những cuộc biểu tình phải có đăng ký và phải được chấp thuận trước của chính quyền. Phải nêu rõ mục đích của cuộc biểu tình là gì, thậm chí sẽ sử dụng những biểu ngữ, khẩu hiệu gì (vì không thể nêu những khẩu hiệu trái pháp luật như kỳ thị chủng tộc hay chia rẽ tôn giáo chẳng hạn). Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức, những người tham gia là ai. Nếu quá trình biểu tình diễn ra khác với mục đích ban đầu thì người tổ chức phải chịu trách nhiệm, những cá nhân vi phạm pháp luật đương nhiên phải bị xử lý.

Trong luật cũng cần quy định những trường hợp hạn chế quyền biểu tình, vì lợi ích quốc phòng hay công cộng chẳng hạn. Luật pháp là công cụ để bảo đảm trật tự xã hội, để bảo đảm hành vi hợp pháp được tiến hành và khi xảy ra hành vi bất hợp pháp thì Nhà nước đã có luật để xử lý kịp thời và thích đáng. Vì vậy mà chính Thủ tướng đã phát biểu cần đưa luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật pháp của nhiệm kỳ Quốc hội này.

"Nếu QH bận quá, tôi xin nhận soạn thảo Luật Biểu tình"

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch, Ủy viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, là người rất tâm huyết với vấn đề thể chế hóa quyền biểu tình đã được Hiến pháp VN quy định. Ông đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này cả trên nghị trường QH và trên báo chí.

Tại buổi thảo luận tổ vào chiều 24-5-2013 khi thấy Luật Biểu tình không có tên trong chương trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2014 của QH, ông đã phát biểu: "Nếu có nhiều luật quá, QH không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận, vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm