Tư tưởng của Bác về lựa chọn người đại biểu của nhân dân

LTS: Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2021) đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, về tư tưởng của Bác trong việc lựa chọn người đại biểu của dân.

Tư tưởng của Bác về việc lực chọn đại biểu (ĐB) của dân đã được định hình rất rõ ngay từ cuộc bầu cử Quốc hội (QH) đầu tiên vào ngày 6-1-1946. Trong lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu ngày 5-1-1946, Bác đã xác định trách nhiệm của người ĐB nhân dân khi được quốc dân lựa chọn vào QH.

Quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung

Theo đó, ĐB phải có trách nhiệm phấn đấu hết sức vì cuộc sống hạnh phúc, sung sướng của đồng bào, độc lập tự do của Tổ quốc, phải ĐB cho niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là chính thể Cộng hòa dân chủ đầu tiên, đây cũng là niềm tự hào, sự vẻ vang của dân tộc. Người ĐB nhân dân phải tiêu biểu cho điều đó.

Người ĐB muốn thực hiện tốt trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân phải là những người có phẩm chất đạo đức, không vì tư lợi mà phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. “Làm việc nước bây giờ là hy sinh là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện được quyền dân chủ ấy” - Bác viết.

Bác kêu gọi người dân muốn tìm được ĐB chân chính thì phải tự mình suy nghĩ lựa chọn để thực hiện quyền dân chủ đó. Sau này Bác còn tham gia kỳ bầu cử QH khóa II năm1960, lúc đó đất nước còn chia cắt, Bác cũng phát biểu về trách nhiệm của người ĐB nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ), Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Bác hai lần xin hoãn nhận huân chương

Hai kỳ bầu cử đó, cả hai QH khóa II và III đều ra nghị quyết trao tặng huân chương Sao vàng cho Bác. Lúc đó Bác phát biểu trước QH xin hoãn nhận huân chương, đợi đến ngày đất nước thống nhất thì QH sẽ trao cho đồng bào miền Nam quyền tặng huân chương cho Bác, lúc đó toàn dân và Bác cũng sẽ vui lòng. Đó không chỉ là sự khiêm tốn mà là trách nhiệm của người lo cho dân, cho nước. Khi đất nước chưa được độc lập, thống nhất hoàn toàn, đồng bào chiến sĩ miền Nam còn gian khổ, hy sinh thì không thể một mình mình hưởng ưu đãi của đất nước, của QH được.

Năm 1967, kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Bác huân chương Lenin, Bác cũng viết thư hoãn nhận huân chương Lenin. Trong thư Bác viết: “Huân chương Lenin là để dành cho những người có công huân lớn, tôi tự thấy mình chưa có công huân lớn, vả lại như các đồng chí biết đấy đất nước chúng tôi đang phải tiến hành cuộc chống Mỹ cứu nước rất ác liệt, cho nên tôi xin các đồng chí cho phép được hoãn nhận huân chương Lenin, đợi đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất thì tôi sẽ thay mặt đồng bào tôi để nhận phần thưởng cao quý mang tên Lenin vĩ đại”.

Như vậy, Bác xin hoãn nhận nhưng Bác cũng nói sau này khi đất nước thống nhất rồi thì Bác cũng chỉ thay mặt đồng bào để nhận huân chương chứ không phải riêng cho mình.

Những chi tiết đó cho thấy tư tưởng sâu xa là làm ĐB cho nhân dân không phải để mưu lợi riêng cho mình mà phải lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, lo cho đồng bào được sung sướng, hạnh phúc. Đó mới là trách nhiệm cao cả của người ĐB của nhân dân.

Làm ĐB cho nhân dân thì phải luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết chứ đừng có tính toán mưu lợi riêng. Đây là tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về sự nghiệp cách mạng, về người ĐB của dân mà Bác hay gọi là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Mỗi kỳ bầu cử là một nấc thang phát triển

Nghiên cứu lịch sử cho thấy mỗi kỳ bầu cử QH như một nấc thang phát triển để hoàn thiện hơn thiết chế dân chủ cho nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhìn vào đội ngũ ĐBQH các khóa, nhất là từ năm 1986 đến nay, đội ngũ ĐBQH được Đảng và Nhà nước chú trọng, ngày càng chặt chẽ, có những yêu cầu rất cao. ĐB có thể thực thi được nhiệm vụ của mình kể cả về mặt năng lực, trình độ cả về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm ĐB cho nhân dân, mối quan hệ giữa người ĐB nhân dân với các tầng lớp trong xã hội.

Xét cho đến cùng, ĐB phải thật sự vì dân, vì nước, “dĩ công vi thượng”, không vun vén cho lợi ích riêng, không tham lam, không tham nhũng. Tất cả những mong muốn đó của Bác chúng ta cũng đang làm để thực hiện tốt hơn cho bầu cử QH khóa XV.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc, chuẩn bị cho bầu cử QH này Đảng phải lãnh đạo rất chặt chẽ, những ai có dấu hiệu về suy thoái, về lợi ích nhóm, tham nhũng thì kiên quyết không giới thiệu vào và cũng kiên quyết không cho họ tự ứng cử vào vị trí ĐB để cử tri bầu.

 Người được hiệp thương giới thiệu ra làm ứng cử viên đã là những người xứng đáng để cho cử tri sau này bỏ phiếu yên tâm chọn được những người xứng đáng trong những người xứng đáng. Đó là một cơ chế bầu cử rất dân chủ, rất chặt chẽ để lựa chọn ĐB xứng đáng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2021), sáng 18-5, Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Tư tưởng của Bác về lựa chọn người đại biểu của nhân dân ảnh 2
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Dự lễ viếng có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng và dân tộc ta. Người đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đã tới đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Trong không khí trang nghiêm, các lãnh đạo tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu, dũng cảm chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ”.

Sáng cùng ngày, các đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội... đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm