Những chuyện lạ ở VFF - Bài cuối

Từ những câu hỏi thẳng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Bóng đá nên đi thẳng và đừng vòng vo, nên báo cáo trọng tâm vào ba điểm: Đã làm được tới đâu, cái gì chưa được và cần xem xét trách nhiệm cụ thể từng bộ phận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như thế tại hội nghị trên.

Tình trạng tiêu cực của bóng đá Việt Nam

Mùa giải 2017, những nhà điều hành VFF hay những bộ phận thực thi luật pháp của VFF như Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật cứ dùng từ ngữ để “bẻ” vấn đề tiêu cực sang báo cáo “sạch”. Như cú đạp thô bạo của tiền vệ Samson (Hà Nội) vào cầu thủ Ngọc Quang (HA Gia Lai) được “bẻ lái” thành “hành vi vào bóng liều lĩnh” và không đáng phạt (!?); hay cú đánh nguội rõ mồn một của Olaha (SLNA) làm Huy Hoàng (Khánh Hòa) té ngửa xuống sân nhưng Ban Kỷ luật thì kết luận “pha bóng không mang tính bạo lực” (!?). Còn ông Ủy viên VFF phụ trách bóng đá phong trào Lê Nguyên Hồng khi ngồi ghế lãnh đạo CLB Quảng Nam đã lên án các trọng tài là “được đào tạo từ Trường mù Nguyễn Đình Chiểu!”…

Các tiêu cực đấy được đặt ra rất nhiều nhưng kết quả xử lý là “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ” nên tiêu cực cứ ngày một dày thêm, còn người hâm mộ thì ngán ngẩm và thất vọng.

Hoặc tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung hay những tiêu cực kiểu móc ngoặc, nhường điểm, đá trên bàn… đều được cho qua. Điều mà người hâm mộ và giới chuyên môn đều thấy nhưng những giám sát được xem là cánh tay nối dài của ban tổ chức, của VFF lại nhắm mắt nhận xét tốt bởi luật bất thành văn là “đừng nhận xét làm khó ban tổ chức, làm khó VFF”. Ở đây cũng cần phải nhắc lại chi tiết ông Nguyễn Văn Vinh trong một lần được mời làm giám sát đã nhận xét thẳng: “Hai đội thi đấu bất bình thường, dưới khả năng chuyên môn, đề nghị ban tổ chức xem xét và xử lý”. Kết quả là sau nhận xét trung thực và đầy trách nhiệm đấy thì mùa giải sau ông Vinh không được mời tham gia đội ngũ giám sát nữa. Đấy cũng là lý do những người ngay, người giỏi, người trung thực khó có cửa tham gia và đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra hàng loạt câu hỏi cho những nhà làm bóng đá. Ảnh: QUANG THẮNG

“Các anh có tiêu cực không?”

Mới đây ở Hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã không chịu nổi những báo cáo kiểu kính thưa, kiểu kể công, kiểu vo tròn kể về thành tích nên đã nhiều lần cắt ngang nhiều báo cáo mà đặt thẳng vấn đề. Chẳng hạn qua báo cáo kể công của lãnh đạo CLB Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cắt ngang và hỏi thẳng: “Các anh có tiêu cực không?”. Hay qua báo cáo của Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Phó Thủ tướng nêu thẳng các vấn đề: “Bóng đá Việt Nam đã phát triển theo quy chuẩn quốc tế chưa hay một mình mình chạy theo một cách? Tại sao V-League là giải chuyên nghiệp của Việt Nam mà đội vô địch V-League lại không đạt chuẩn, không được thi đấu những giải quốc tế của LĐBĐ châu Á?...”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh về tình trạng tiêu cực của bóng đá Việt Nam với những câu hỏi rất thẳng thắn như tại sao bóng đá Việt Nam lại phát triển theo hình tháp ngược? Giải chuyên nghiệp, giải đấu chuyên nghiệp có nhường điểm, có “vỗ vai” nhau và có đá thật không? Tại sao người ta tổ chức giải phong trào, giải trẻ thì khán giả đến xem rất đông còn VFF tổ chức giải chuyên nghiệp thì nhiều người không đến xem... Ông cũng hỏi thẳng về cách xử lý trong công tác trọng tài mà người hâm mộ thất vọng, cách xử lý của Ban Kỷ luật VFF gây mất niềm tin và khẳng định rằng bóng đá Việt Nam chưa đẹp như những báo cáo dài lê thê được đóng cuốn làm tài liệu trong hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc thực hiện phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn diễn ra trước ngày 15-1-2018 theo chuẩn quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Tại buổi đối thoại đó, chỉ cần một bên hỏi, một bên trả lời rồi còn vướng cái gì thì giải quyết, không lan man, không hình thức. Chúng ta nói về những chiến lược không phải để chỉ trích nhau mà nhằm có góc nhìn rõ bóng đá Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta có dám khẳng định đã làm bóng đá chuyên nghiệp hay chưa?”. 

“Bóng đá Việt Nam đã tận dụng hết nguồn lực phát triển chưa?”

Nếu không phải là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự hội nghị sơ kết thì chắc chắn những phát biểu đi thẳng vào vấn đề như của chuyên gia Ngô Tử Hà hay của HLV Lê Huỳnh Đức chắc chắn sẽ không có cơ hội để bày tỏ. Nói thế bởi những nhà tổ chức đã lên kế hoạch chi tiết đến từng báo cáo, từng tham luận được mời và được duyệt, được “góp ý” rồi được cho in ấn thành tài liệu và lần lượt sẽ được báo cáo theo sắp xếp. Tuy nhiên, chính sự thẳng thắn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam qua việc không đồng tình với cách điều khiển hội nghị dạng “báo cáo chấm công” đấy mà những người bức xúc thật sự và muốn góp ý chân tình mới có cơ hội phát biểu.

Từ những câu hỏi thẳng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ảnh 3

Hình ảnh xấu xí không có trong báo cáo nhưng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra về những cái chưa đẹp của một nền bóng đá còn cần nhiều sự góp sức của các nguồn lực. Ảnh: CTV

Như điều mà VFF luôn giấu giếm với cấp lãnh đạo đó là lực lượng điều hành không có bóng dáng của những người làm chuyên môn thực thụ. Điển hình năm thành viên trong Thường vụ VFF thì chỉ có một ông có chuyên môn nhưng ngoài chức phó chủ tịch phụ trách chuyên môn còn ôm thêm 15 chức danh khác thì làm sao phát triển tốt về chuyên môn.

Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt thẳng vấn đề: “Bóng đá Việt Nam đã tận dụng hết nguồn lực phát triển chưa?” chứng tỏ ông rất hiểu về nội tình của VFF với những “điểm mù” trong cơ cấu vận hành và phát triển. Và cũng không cần đợi những nhà lãnh đạo VFF trả lời, Phó Thủ tướng đã lên tiếng: “Tôi cho là chưa!”.

Tất nhiên, những điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra qua hàng loạt câu hỏi cũng có phần trách nhiệm của Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL, những cơ quan quản lý về mặt nhà nước nhưng chưa hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ của mình.

 Báo cáo và tự hào là số 1 Đông Nam Á nhưng chỉ nhận tài trợ bằng 1/4 Thái Lan

VFF vẫn cứ tự hào giải chuyên nghiệp Việt Nam là số 1 Đông Nam Á nhưng mới đây, thông báo chính thức từ nhà tài trợ chính Toyota kể từ mùa 2018 công ty này sẽ không tài trợ V-League nữa. Cùng thời điểm trên, Toyota thông báo tài trợ cho Thai-League của Thái Lan gói tài trợ bốn mùa bóng với giá gần 5 triệu USD/mùa.

Trước đây, Toyota tài trợ song song hai giải V-League và Thai-League nhưng giá trị của Thai-League bao giờ cũng gấp 4-5 lần so với V-League.

 Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ không có cầu thủ trẻ để đào tạo

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam của VFF ra đời bằng hai nguồn của Nhà nước và FIFA rót vào. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay trung tâm trên vẫn đều đặn nhận sự hỗ trợ từ FIFA cho việc đào tạo và phát triển bóng đá trẻ nhưng lạ ở chỗ trung tâm này lại chẳng có cầu thủ trẻ và cũng chẳng có thầy để đào tạo.

Cũng chính từ việc bố trí ghế ở trung tâm này mà vừa qua nhiệm kỳ VII là nhiệm kỳ đầu tiên có việc tố cáo hai lãnh đạo VFF nhận hối lộ từ chính ông quyền giám đốc trung tâm đào tạo trẻ. Nguyên do sang nhiệm kỳ mới bị “lập lại bộ ghế mới”, ông quyền giám đốc cũ vừa mất ghế vừa bị cho nghỉ việc sai luật đã huỵch toẹt hết phần “hậu trường” liên quan “sếp cũ” của mình. Cũng chính vì thế mà nhiệm kỳ VII bị lùm xùm vụ VFF phải ra tòa để giải quyết những vụ kiện cáo của người trong nhà.

Một thành viên kỳ cựu ở VFF chia sẻ rằng việc trung tâm đào tạo trẻ mà không có đào tạo là bởi lý do phải gắn với chữ “đào tạo trẻ” thì mới có nguồn cho việc phát triển bóng đá trẻ của những nước nằm trong mục tiêu phát triển bóng đá của FIFA (!?). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm