Từ 1-12, taxi phải in hóa đơn cho khách

“Điểm mới của Nghị định 86/2014 là từ ngày 1-12, bắt buộc các xe taxi phải lắp đặt thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe. Sau khi kết thúc hành trình, tài xế phải in hóa đơn tính tiền đưa cho hành khách”. Ngày 17-9, tại cuộc họp báo triển khai Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) thông báo như trên. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho hành khách đi xe và bắt buộc các hãng taxi phải thực hiện. Những trường hợp không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.

Nghị định 86 cũng bổ sung những chế tài hết sức nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp vận tải để xảy ra nhiều vi phạm. Cụ thể, nếu doanh nghiệp trong thời gian một năm có trên 50% số xe hoạt động gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng (do người lái xe vi phạm luật) sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn. Trường hợp có trên 20% số xe ô tô bị  xử lý về chở quá tải hoặc có trên 10% số tài xế bị tước giấy phép lái xe có thời hạn sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh 1-3 tháng.

Từ ngày 1-12, các tài xế taxi phải in hóa đơn tính tiền đưa cho hành khách. Ảnh: HTD

Ngoài ra, nghị định còn quy định doanh nghiệp, HTX muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu 10 xe. Riêng đối với đô thị loại đặc biệt, số xe tối thiểu phải là 50 xe. Các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo phải có số lượng từ năm xe trở lên (đô thị loại đặc biệt là 10 xe),  còn vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có tối thiểu 10 xe trở lên (đô thị loại đặc biệt là 20).

PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Bộ GTVT đã có con số thống kê nào để chứng minh rằng doanh nghiệp ít xe thường để xảy ra nhiều vi phạm hơn doanh nghiệp có nhiều xe để rồi ban hành quy định trên? Khi nghị định có hiệu lực sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ phải giải thể, sáp nhập? Cơ chế giải quyết luồng tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ sẽ như thế nào?”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, trả lời: Nội dung này trước đây từng được đề xuất đưa vào Nghị định 91/2009 nhưng do không nhận được sự ủng hộ nên cuối cùng phải bỏ ra. Lần này sau khi Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, ban soạn thảo đã đề xuất đưa vào và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Ông Quyền không trả lời cụ thể về số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng như con số chứng minh doanh nghiệp ít xe vi phạm nhiều hơn mà chỉ cho biết Bộ GTVT đã nghiên cứu rất kỹ và quy định này được các địa phương ủng hộ. “Có thực hiện tái cơ cấu, có tích tụ vận tải thì mới xây dựng nên những doanh nghiệp mạnh và hiệu quả” - ông Quyền nói.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm