Truy tố 7 bị can trong vụ PVN thất thoát 800 tỉ đồng

Ngày 28-12, một nguồn tin cho biết VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và sáu đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Chịu trách nhiệm chính việc mất 800 tỉ đồng

Cùng với ông Thăng, sáu bị can còn lại gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc OceanBank), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức (cả ba đều là nguyên thành viên HĐTV PVN) và Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN).

Tất cả bị can trên cùng bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, năm 2008 ông Đinh La Thăng với cương vị chủ tịch HĐTV PVN đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT OceanBank, mà không thông qua HĐQT.

Các lần ông Thăng ký nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp cũng chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Việc này không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Đến ngày 1-1-2011, Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với vai trò chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ không vượt quá 15% mà lại tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp (thông qua ba lần góp).

Việc này trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank.

Cáo trạng của VKSND Tối cao nhận định ông Thăng là người phải chịu trách nhiệm chính với số tiền 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank (đến nay được xác định là không có khả năng thu hồi).

Ông Đinh La Thăng (ảnh nhỏ). Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (bìa trái) và bị cáo Hà Văn Thắm (bìa phải) tại phiên tòa xử vụ OceanBank. Ảnh: INTERNET

Ninh Văn Quỳnh xài 20 tỉ đồng chiếm đoạt vào việc gì?

Đối với Ninh Văn Quỳnh, trong thời gian từ tháng 3-2009 đến tháng 12-2013, bị can này đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN để chiếm đoạt 20 tỉ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ Nguyễn Xuân Sơn.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm đại án OceanBank của TAND TP Hà Nội, sau nhiều lần quanh co, ông Quỳnh thừa nhận việc nhận số tiền trên từ Nguyễn Xuân Sơn trong một thời gian dài.

Nguyên kế toán trưởng PVN khai đã sử dụng phần lớn số tiền 20 tỉ đồng này vào mục đích cá nhân, chỉ một phần “không lớn lắm” sử dụng chi cho ban kế toán đi nghỉ mát, tham quan, sinh nhật... Còn lại ông này mua một căn hộ ở TP.HCM (hơn 3 tỉ đồng), mua ô tô khoảng 800 triệu đồng, cho hai con đi du học khoảng 4,5 tỉ đồng, đầu tư mua cổ phiếu ở một số công ty khoảng 2 tỉ đồng, tiền mặt và sổ tiết kiệm hơn 9 tỉ đồng CQĐT đang thu giữ.

Như vậy, ông Đinh La Thăng đã bị truy tố hai lần. Trước đó, ngày 25-12, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can này và 21 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Dự kiến ngày 8-1-2018, TAND Hà Nội sẽ đưa vụ án này ra xét xử.

Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng bị truy tố tội tham ô

Truy tố 7 bị can trong vụ PVN thất thoát 800 tỉ đồng ảnh 2
Trịnh Xuân Thanh

Theo thông tin chúng tôi nắm được, VKSND Tối cao cũng đã ban hành cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh (ảnh) và bảy đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land (với khung hình phạt cao nhất là tử hình).

Trong số này có em trai ông Đinh La Thăng là Đinh Mạnh Thắng (chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) cùng Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên tổng giám đốc PVP Land), Đào Duy Phong (nguyên chủ tịch HĐQT PVP Land),…

Theo đó năm 2010, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm năm cổ đông sáng lập (trong đó có PVP Land) đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5) với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Sau khi ký hợp đồng, Lê Hòa Bình đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập. Với bốn cổ đông ban đầu, hợp đồng được ký theo đúng giá như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, riêng với hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land lại thể hiện giá chuyển nhượng chỉ là 34 triệu đồng/m2. So với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, tổng giá trị hợp đồng thấp hơn 87 tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và các đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế nhằm lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.

Trong đó Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ đồng, Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỉ đồng,…

Do toàn bộ cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương là tài sản của Nhà nước; các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế nên có đủ căn cứ cấu thành tội tham ô tài sản.

Riêng với bị can Đặng Sỹ Hùng (nguyên trưởng phòng Kinh tế-Kế hoạch của Công ty PVP Land), vì bị can này đã chết trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra.

Trước đó, VKSND Tối cao cũng đã truy tố Trịnh Xuân Thanh tội tham ô (và cả tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng ở vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm