Truy nguồn ô nhiễm kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa

Dù đã được nạo vét khẩn cấp nhưng tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa (TP.HCM) vẫn chưa cải thiện. Đây là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đã được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu giải quyết trong những lần tiếp xúc cử tri vào tháng 5-2016. Sau đó, UBND TP cũng có văn bản giao cho Sở TN&MT chủ trì, tập trung giải quyết dứt điểm.

Nạo vét không ngăn được nước bẩn

Nhiều lần có mặt tại rạch Cầu Dừa, chúng tôi nhận thấy dòng nước từ hướng kênh Trần Quang Cơ đổ về vẫn còn đen kịt và bốc mùi hôi thối. Dọc kênh, tình trạng xả chất thải ô nhiễm vẫn diễn ra thường xuyên. Người dân địa phương cho biết tình trạng vứt chất thải, nước ô nhiễm, tù đọng làm phát sinh ruồi nhặng, muỗi mòng nhiều vô kể, trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh. “Dòng kênh này hôi thối như thế là do nhiều nhà máy sản xuất xả nước thải ô nhiễm. Nếu chỉ nạo vét bùn đất, cỏ dại thì làm sao giải quyết được tình trạng ô nhiễm” - một người dân bức xúc.

Kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa dài khoảng 4 km, là ranh giới hành chính giữa quận 12 và huyện Hóc Môn. Dọc tuyến kênh này có Cụm công nghiệp Quang Trung và Khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp. Một cán bộ Phòng TN&MT quận 12 cho biết KCN Tân Thới Hiệp có 27 cơ sở sản xuất với tổng lượng nước thải khoảng 2.500 m3/ngày. Tại Cụm công nghiệp Quang Trung có khoảng 18 cơ sở đang sản xuất (thuộc các ngành nghề như may, giặt, tẩy, nhuộm, in…) nhưng hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ tổng lượng nước thải.

Kết quả phân tích mẫu nước mặt trên kênh Trần Quang Cơ do Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) thực hiện trong tháng 7-2016 cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cột B1 (nước thải sinh hoạt xả vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước). Cụ thể, chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hóa học) vượt hơn 7,7 lần, BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hóa) vượt hơn 7,7 lần, hàm lượng ammonia (N-NH4+) cũng vượt quy chuẩn cho phép hơn 19,9 lần…

Người dân vẫn lén lút mang rác thải vứt xuống kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa. Ảnh: TRUNG THANH

Nhiều cơ sở vi phạm về xả thải

Từ kết quả quan trắc trên, Sở TN&MT xác định nguyên nhân ô nhiễm trên tuyến kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa là do tiếp nhận các nguồn nước thải từ Cụm công nghiệp Quang Trung, KCN Tân Thới Hiệp cũng như nước thải từ các cơ sở chăn nuôi và các hộ dân sống dọc kênh. Ngoài ra, tình trạng bồi lấp, cỏ dại, rác thải cũng được Sở TN&MT ghi nhận là nguyên nhân làm tù đọng, xảy ra tình trạng kỵ khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, trong tháng 5 và tháng 6-2016, Phòng TN&MT quận 12 kiểm tra đột xuất, phát hiện bốn đơn vị vi phạm. Cụ thể, DNTN SX TM Cường Phát, Công ty Cổ phần SX TM XNK Lâm Gia và cơ sở sản xuất kem Bi Bi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Cạnh đó, cơ sở Gia Hân hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, kết quả kiểm tra mẫu nước thải cũng xác định vượt chuẩn.

Tương tự, đầu tháng 7, Chi cục Bảo vệ môi trường kiểm tra KCN Tân Thới Hiệp cho thấy trạm xử lý nước thải chung của KCN có hiện tượng xuống cấp, nhiều mương ống kỹ thuật bị sụt lún, rò rỉ, hệ thống xử lý có phát sinh mùi hôi. Kết quả phân tích mẫu nước sau khi xử lý thải ra kênh Trần Quang Cơ cũng vượt quy chuẩn…

Một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm đơn vị đang tổng hợp hồ sơ các trường hợp vi phạm nói trên để các đơn vị liên quan xử lý theo quy định. Riêng đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Tân Thới Hiệp, Sở TN&MT đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng (Công ty TNHH Cơ sở hạ tầng KCN Tân Thới Hiệp) phải khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo nước qua xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra kênh.

Đề xuất tạo cảnh quan dọc kênh

Sở TN&MT kiến nghị UBND TP giao cho Trung tâm Chống ngập TP nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án chỉnh trang, tạo cảnh quan đô thị dọc kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh này. Trước mắt, Sở TN&MT đề xuất nạo vét dòng kênh, giảm nước tù đọng, sau đó thực hiện quan trắc nước kênh và giám sát định kỳ chất lượng môi trường trên khu vực này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm