Trung tâm báo chí TP.HCM có thể livestream sự kiện

Sáng 11-12, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề “Trung tâm báo chí hiện đại TP.HCM”.
Trung tâm báo chí TP.HCM dự kiến được xây dựng tại 255 Trần Hưng Đạo (quận 1). Dự án có tổng kinh phí đầu tư ban đầu ước hơn 34 tỉ đồng và được xây dựng trong hai giai đoạn từ 2018-2020 và từ 2020 trở đi.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở  TT&TT TP.HCM trình bày về dự án Trung tâm báo chí TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Đây sẽ là tòa nhà tích hợp nhiều công năng: Là nơi họp báo, tìm kiếm thông tin, tổ chức sự kiện, ngoài ra còn là nơi giao lưu trao đổi thông tin giữa những người làm báo với nhau (coffee shop).

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết địa điểm này cách Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM chỉ 2,4-2,9 km. Do vậy, trong mọi điều kiện giao thông, lãnh đạo TP có thể đến trung tâm để cung cấp thông tin một cách nhanh nhất.
Theo ông Lương, Trung tâm được thiết kế hiện đại, tối giản, đa năng: Có phòng họp báo lớn quy mô 100 người, phòng họp báo nhỏ 50 người. Khu vực làm việc của phóng viên có đường truyền tốc độ cao để phóng viên có thể chuyển tải thông tin, hình ảnh dung lượng lớn, livestream khi sự kiện diễn ra. Ngoài ra còn có phòng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, phòng làm việc phóng viên, phòng giao lưu phóng viên, cabin dịch thuật…
Trung tâm còn có hệ thống đăng ký và quản lý thành viên, hệ thống quản lý họp báo và sự kiện, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ. TP đặt mục tiêu xây dựng trung tâm thành địa điểm chính thức để các cấp chính quyền cung cấp thông tin và trả lời báo chí về những sự kiện xã hội quan tâm một cách nhanh chóng chính xác nhất.
Ông Lương cho biết thêm chiều mai, 12-12, Sở TT&TT sẽ báo cáo chi tiết với Thường vụ Thành ủy TP về trung tâm báo chí. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, Sở sẽ triển khai thực hiện.
“Hiện nay đa số báo chí đưa đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn còn có nhiều tờ báo đưa không đầy đủ thông tin, đưa sai số liệu. TP.HCM đang thiếu ngôi nhà chung để giới báo chí TP có thể giao lưu tác nghiệp” - ông Từ Lương nói và cho rằng khi có Trung tâm báo chí sẽ khắc phục được những hạn chế trên.
Ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hứa sẽ cố gắng bằng trách nhiệm cao nhất để hoàn thành dự án, trong đó sẽ vận dụng ý kiến đóng góp của các nhà báo có kinh nghiệm vào việc xây dựng trung tâm, nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất cho người làm báo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều thông tin không chính thống được lan truyền rất nhanh gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Do đó, TP xác định cần phải xây dựng một trung tâm báo chí hiện đại để phục vụ nhu cầu tác nghiệp của báo chí cũng như cung cấp thông tin cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Tuyến, trong giai đoạn 1, trung tâm sẽ tích hợp thông tin dữ liệu mà các sở ngành của TP đang có, thông tin từ các bộ ngành đang chia sẻ với TP.

“Kho dữ liệu của Trung tâm báo chí sẽ gắn chặt với trung tâm dữ liệu dùng chung của TP.HCM. Khi trung tâm vận hành, thay vì phải đi hỏi, xin thông tin từ Văn phòng UBND TP và các sở ngành liên quan thì các phóng viên có thể truy cập ngay vào kho dữ liệu này để lấy thông tin chính thống” - ông Tuyến nói và cho biết các số liệu sẽ được mô phỏng công nghệ hóa.
Giai đoạn 2, trung tâm sẽ đấu thầu lựa chọn công nghệ hiện đại mà một số nước đang làm. Công nghệ này, theo ông Tuyến, là có thể dự báo tỉ lệ GRDP của TP phát triển trong năm tới sẽ ở mức độ nào, phát triển du lịch tăng trưởng ra sao, có bao nhiêu khách sạn, bao nhiêu con đường và bao nhiêu máy bay...
“Máy móc sẽ phân tích cho chúng ta biết có thể đạt được tăng trưởng như thế. Tất cả vấn đề đó đều được tính toán bằng giải pháp công nghệ chứ không phải tính toán bằng thủ công như hiện nay” - ông Tuyến cho biết.
Theo ông Tuyến, nếu các sở, ngành không chủ động cung cấp thông tin, để phóng viên tự đi tìm thì sẽ gặp tình huống thông tin không chính xác, số liệu không chính xác. Do vậy trung tâm báo chí khi hình thành sẽ là nơi hỗ trợ cơ quan truyền thông có được thông tin, nguồn dữ liệu chính thống do TP cung cấp.

Các đại biểu góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong việc xây dựng Trung tâm báo chí TP.HCM như: Địa điểm xây dựng Trung tâm trên diện tích nhỏ hẹp, cần đảm bảo nguồn nhân lực quản lý Trung tâm, đảm bảo hạ tầng phục vụ phương tiện giao thông tốt, cần đảm bảo hệ thống dịch tiếng nước ngoài tốt để phục vụ tốt các sự kiện quốc tế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm