Trung Quốc xâm phạm sâu vùng biển của Việt Nam

Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Xua đuổi ngư dân Việt, mưu đồ hiện thực hóa đường “lưỡi bò”

Tại phiên thảo luận này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm đã có những phát biểu đáng chú ý liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh trên biển.

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp. Đặc biệt, lực lượng chuyên trách của Trung Quốc (TQ) đã hỗ trợ ngư dân đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam (VN), cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý. Có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của TQ tuyên bố vùng biển này là vùng biển của TQ và xua đuổi ngư dân VN ra khỏi khu vực này.

“Chúng tôi nhận định đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời là xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường “lưỡi bò” (phi pháp - PV). Chúng tôi đã tổ chức kiên quyết, tuyên truyền, vận động và xua đuổi các tàu thuyền này ra khỏi khu vực. Trong tháng 4 có ba vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu. Có những lúc tàu ngư dân TQ vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cho hay tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp. Ảnh: ĐỨC MINH

“Phải truy tố cơ sở đóng tàu kém chất lượng cho ngư dân”

Bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã có trao đổi ngắn xung quanh một vấn đề khác về bảo vệ chủ quyền trên biển, đó là việc hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014.

Ông Lê Chiêm đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại xung quanh Nghị định 67. Nổi lên nhất là việc các nhà máy đóng tàu không thực hiện đúng cam kết, tàu chất lượng không cao, hỏng hóc nhiều, thậm chí có những tàu đóng xong không ra khơi được.

“Hiện nay một số ngư dân vẫn còn nợ ngân hàng nhưng tàu thuyền vẫn nằm trên bờ, không ra biển được. Điều này tạo ra cái nghèo, cái khó cho ngư dân” - ông Chiêm nói, đồng thời cho rằng điều này cũng ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ chủ quyền trên biển.

Ngày 21-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc TQ cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

VN yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa…

Trước đó, ngày 8-5, VN cũng đề nghị phía TQ với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của VN, tôn trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

“Trong vấn đề này, lỗi ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Phải truy tố để giải quyết dứt điểm. Bây giờ người ta vay tiền của ngân hàng đưa cho anh để đóng tàu mà tàu anh đóng không đạt tiêu chuẩn rồi nói trên trời dưới đất thì không minh bạch, không thẳng thắn” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bức xúc và cho rằng “ngư dân bỏ tiền ra, đó là mồ hôi, nước mắt và công sức của họ. Vì vậy cần giải quyết, bồi thường thỏa đáng cho người dân để người dân không bị thiệt thòi”.

Liên quan tới vấn đề này, Báo cáo kiểm toán công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa kết luận: Còn có tồn tại làm hạn chế đến tính hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện chính sách.

Theo Kiểm toán Nhà nước, chất lượng đóng tàu còn chưa đảm bảo dẫn đến một số tàu cá đóng xong không thể ra khơi (Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên…). Công tác cho vay đóng mới chưa được các địa phương tích cực triển khai, một số chi nhánh ngân hàng thương mại tại địa phương chưa thực hiện cho vay nên đến hết năm 2016, kết quả thực hiện chính sách cho vay đóng mới đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra.

“Thủ Thiêm là bài học rất lớn về sự đồng thuận”

Đề cập việc quản lý đất đai, tài sản nhà nước và quy hoạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói “có những điều đáng buồn”.

“Nhiều khi thu hồi đất, người dân mất sinh kế, thậm chí đương đầu với chính quyền trong khi lợi ích người khác hưởng. Thủ Thiêm là bài học và còn bao nhiêu Thủ Thiêm nữa?” - ông Phong hỏi.

Nhấn mạnh cần tăng cường sự đồng thuận của người dân và cử tri, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng “vụ việc ở Thủ Thiêm là bài học rất lớn về sự đồng thuận”.

Trong khi đó, Thượng tướng-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm (Kon Tum) cho rằng khiếu kiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là đất đai. Có những vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác, người khiếu kiện thậm chí còn kéo ra Hà Nội, gây ảnh hưởng lớn về an ninh, chính trị, an toàn xã hội.

“Các dự án chuyển nhượng ta làm không chặt chẽ. Theo tôi, các địa phương cần phải có giải pháp thật khách quan, chỗ nào thấy không đúng cần phải nhận khuyết điểm trước nhân dân và nghiêm túc sửa sai” - ông Chiêm nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sau đó cũng cho rằng việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thời gian gần đây “có nhiều vướng mắc”.

Ông Khái cho rằng để giải quyết khiếu nại hiệu quả nhất, theo thẩm quyền, theo trách nhiệm hiện nay là phải từ cơ sở, còn nếu kéo lên trung ương rất phức tạp.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm