Trung Quốc và mưu đồ 'Hải quân Biển Xanh' quá tham vọng

Theo tạp chí The Indo - Pacific Review (IPR), trong vài tháng gần đây, những hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc đang khiến tình hình căng thẳng an ninh trong khu vực không ngừng leo thang. Trong đó, động cơ để Trung Quốc khuấy đảo sự ổn định trong khu vực xuất phát từ những tính toán liên quan tới chính sách trong và ngoài nước. 

Đánh bóng tên tuổi lãnh đạo qua tranh chấp chủ quyền 

Đầu tiên, Trung Quốc muốn làm nổi danh nhà lãnh đạo – Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như uy quyền của ông Tập trong nghị trình cải cách đất nước. Thậm chí, Trung Quốc còn quả quyết rằng Mỹ chưa thể can thiệp vào tình hình hiện nay. Mưu đồ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc còn muốn thể hiện quyết tâm khẳng định yêu sách "đường chín đoạn" đối với vùng biển giàu tài nguyên và mang tính chiến lược quan trọng trên thế giới. 

Trung Quốc và mưu đồ 'Hải quân Biển Xanh' quá tham vọng ảnh 1
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giúp ông Tập Cận Bình gây dựng thanh danh trong và ngoài nước.

Xét trên quan điểm của Bắc Kinh, lời lý giải trực tiếp và rõ ràng nhất về sự hung hăng ngày càng lớn trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đơn giản là Trung Quốc tin rằng sự kiềm chế trước đây không giúp nước này cải thiện vị thế trong cuộc chiến giành chủ quyền. Thậm chí, việc thiếu hành động cương quyết sẽ khiến các bên tranh chấp khác tăng cường sự hiện diện và củng cố chủ quyền trên Biển Đông. 

Do đó, để cải thiện vị thế trong các cuộc đàm phán hiện tại và tương lai, trước tiên, Trung Quốc cần thay đổi hiện trạng khu vực thông qua hành động. Trong đó, Bắc Kinh thường sử dụng phương pháp tiếp cận dân sự và bán quân sự nhưng cũng không loại trừ khả năng triển khai quân đội nếu cần thiết. 

Mục tiêu giành ưu thế và đặc quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông được xem là điểm nhấn trong tham vọng trở thành "một cường quốc hàng hải hùng mạnh" từng được nêu lên trong Đại hội Đảng lần thứ 18 hồi năm 2012 và chính sách do chính Chủ tịch Tập Cận Bình soạn thảo. 

Tuy nhiên, tham vọng xây dựng "Hải quân Biển xanh" và mở rộng lực lượng hải quân của Trung Quốc cũng đang vấp phải không ít chốt chặn dọc vùng bờ biển phía đông từ Nhật Bản cho tới Philippines. Do đó, Biển Đông được xem là nơi Trung Quốc dễ dàng chiếm ưu thế hơn cả khi chỉ phải đối phó với những lực lượng hải quân nhỏ bé hơn. 

Mặc dù, chính sách thay đổi hiện trạng khu vực và theo đuổi tham vọng giành vị thế cường quốc hải quân đã tồn tại trong vài năm nay, song những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc đều xuất phát từ chính sách nội địa của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm củng cố nền tảng sức mạnh trong nước. 

Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2013, nghị trình cải cách của ông Tập đã chú trọng tới mục tiêu “cải cách kinh tế sâu rộng” và chiến dịch “chống tham nhũng” mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích của nhiều nhóm đối tượng và giới chính trị gia tại Trung Quốc. Do đó, ông Tập cần có những chính sách ngoại giao để gây dựng hình ảnh và danh tiếng cũng như xoa dịu làn sóng chỉ trích từ trong nước liên quan tới nghị trình cải cách nội địa. 

Mỹ không sẵn lòng tham chiến trên Biển Đông

Nguyên nhân chính khiến Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là do quốc gia này tin rằng mình đang chiếm ưu thế vượt trội trong khu vực. Dựa vào năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc tin mình có thể đè bẹp sức chiến đấu của tất cả các quốc gia Đông Nam Á cộng lại. Ngoài ra, Bắc Kinh nhận định chắc chắn Mỹ sẽ không dùng tới đội quân hùng hậu để ngăn cản hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Trung Quốc và mưu đồ 'Hải quân Biển Xanh' quá tham vọng ảnh 2
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông gây bất ổn an ninh trong khu vực.

Sau khi theo dõi sát sao mọi động thái cũng như thái độ do dự của chính quyền Tổng thống Obama trong việc đưa quân tới can thiệp vào tình hình tại Syria và Ukraine, Trung Quốc đã có thể đưa ra kết luận Washington không muốn tiếp tục tham chiến. Ngoài ra, Bắc Kinh cho rằng chính sách ngoại giao của chính quyền của Tổng thống Obama không hướng tới một cuộc chiến với Trung Quốc. 

Rõ ràng, Trung Quốc nhận thức rõ sự khác biệt giữa Ukraine – một quốc gia không phải là thành viên của khối NATO, và Philippines – đồng minh thân thiết với Mỹ. Tuy nhiên, khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, Mỹ đã không hề có hành động phản ứng. 

Thậm chí, trong diễn đàn Đối thoại Shangri-La mới đây, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Trung Quốc, đã lớn tiếng khẳng định tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc “không liên quan tới Mỹ”. Thông điệp này nhằm ám chỉ rằng Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ và khả năng quân đội Mỹ can thiệp ngăn chặn Trung Quốc thay mặt cho Việt Nam là rất nhỏ nếu không muốn nói là không thể xảy ra. 

Mưu đồ khẳng định yêu sách "đường chín đoạn"

Không chỉ tiến hành những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực, Trung Quốc còn đang củng cố tuyên bố đầy tranh cãi liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” trên Biển Đông. 

Thậm chí, trong phiên Đối thoại Shangri-La, Phó Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã đưa ra 6 điểm khẳng định tính pháp lý của yêu sách “đường chín đoạn” một cách đầy vô lý. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược so với cách đây vài năm khi cộng đồng hoạch định pháp luật và chính sách ngoại giao của Trung Quốc vẫn tranh cãi về tính hợp lệ của yêu sách “đường chín đoạn”. Thay vào đó, giờ đây, giới phân tích Trung Quốc đã đồng lòng ủng hộ chính phủ đơn phương theo đuổi những tuyên bố chủ quyền đầy tranh cãi. 

Trung Quốc và mưu đồ 'Hải quân Biển Xanh' quá tham vọng ảnh 3
Phlipiines cho biết Trung Quốc đã xây dựng trái phép trạm radartại khu vực Đá Vành Khăn trên Biển Đông.

Trung Quốc còn nhận thức rất rõ về sự mâu thuẫn giữa tuyên bố đơn phương “đường chín đoạn” và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Do đó, Bắc Kinh đã tập trung đầu tư nghiên cứu pháp luật để chứng minh “chủ quyền lịch sử” của mình. 

Thậm chí, một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng bản thân UNCLOS đã “mập mờ và không đủ tính thuyết phục” trong những vấn đề liên quan tới lịch sử chủ quyền. Một số học giả Trung Quốc còn khẳng định tuyên bố “đường chín đoạn” không cần tới sự ủng hộ từ UNCLOS. Họ nhận định lịch sử “đường chín đoạn” ra đời trước UNCLOS tận 40 năm do đó UNCLOS không thể được áp dụng để định đoạt chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lý đường biển của Trung Quốc. 

Nguy hiểm hơn, phần lớn các nhà phân tích Trung Quốc tự cho rằng toàn bộ hải phận nằm trong yêu sách “đường chín đoạn” thuộc Vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ngay cả khi chính phủ nước này chưa dám công khai tuyên bố rộng rãi.  

Tuy nhiên, trên hết, Trung Quốc còn có nhiều cách mà chủ yếu thông qua con đường kinh tế để cải thiện mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trong khi  sử dụng chiêu thức ép buộc để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngay cả khi tòa án quốc tế ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Trung Quốc vẫn không chấp nhận kết quả này và đây là lý do khiến tòa án khó lòng thi hành phán quyết. 

Bất chấp việc các quốc gia dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn đang tiến tới giành những thứ mà họ muốn. Sự lớn mạnh trong những tính toán và vị thế của Trung Quốc đã thể hiện chính xác nhận định này và đặt ra thời gian cho các quốc gia trong khu vực có phản ứng đáp trả mà đặc biệt là sự can thiệp từ Mỹ. 

Bài viết được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ tạp chí The Indo – Pacific Review (IPR). IPR chuyên đăng tải những bài viết đánh giá và phân tích các vấn đề quan trọng đang nổi lên trong 3 khu vực chiến lược Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương. 

Theo MINH THU /Infonet

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.