Trung Quốc di chuyển giàn khoan và toàn bộ tàu về Hải Nam

Trung Quốc di chuyển giàn khoan và toàn bộ tàu về Hải Nam ảnh 1Tàu Trung Quốc phía sau áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Việt Nam gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. (Nguồn: TTXVN)
Theo Tuổi Trẻ lúc 10g sáng nay 16-7, ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư - Bộ NN&PTNT), cho biết lực lượng kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo tại thực địa đã không còn tàu của Trung Quốc.

Toàn bộ tàu của Trung Quốc đã theo áp tải, bảo vệ giàn khoan về phía đảo Hải Nam.

Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan di chuyển về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin. Cơn bão Rammansun như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc di chuyển giàn khoan về.

“Trung Quốc thì rất nhiều mưu mô, không thể tin những gì họ nói, cũng không thể lường trước được. Vì thế, kể cả việc di chuyển về thì lực lượng kiểm ngư vẫn rất cảnh giác, theo dõi và cập nhật tình hình trong những ngày tới” - ông Hà Lê nói.

Theo ông Hà Lê, ngay khi có thông tin về cơn bão Rammansun sẽ đổ bộ vào khu vực biển Hoàng Sa, Cục kiểm ngư đã lên kế hoạch, phương án để các tàu kiểm ngư, cũng như các tàu ngư dân đang hoạt động trên khu vực này sẽ về bờ để trú tránh bão. Đến lúc này, phía Trung Quốc đã rút tàu và giàn khoan về rồi, nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa có lệnh rút.

Theo ông Lê, với điều kiện thời tiết như hiện nay, đội tàu kiểm ngư có thể mất 10-12 giờ để vào đến đất liền.


Theo Vietnam+, thông cáo của CNPC nói rằng công ty này đã bắt đầu khoan thăm dò hai giếng dầu tại khu vực này từ đầu tháng Năm và kết thúc hoạt động thăm dò ở hai giếng này vào các ngày 27/5 và 15/7.

CNPC đã tiến hành khoan thăm dò bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận thế giới. Bên cạnh đó,  Trung Quốc đã huy động nhiều tàu và máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan và các hành động hung hăng, khiêu khích như chủ động đâm, va tàu cá và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việc Trung Quốc tiến hành hoạt động hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu trái phép nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Trước những bước đi ngang ngược của Trung Quốc, dư luận quốc tế không ngừng bày tỏ sự bất bình. Hòa cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính giới nhiều nước, các tổ chức quốc tế và giới học giả đã liên tục lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của Trung Quốc./.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm