Trung Quốc đang kể câu chuyện cá bé “ăn thịt” cá lớn

Tuy nhiên, theo thông tin Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa ra, lý do của hành động này là các tàu Việt Nam đã quấy nhiễu hoạt động “thông thường” của tàu Trung Quốc trong vùng “lãnh thổ” của họ, nên Trung Quốc chỉ tự vệ.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói với CCTV: "Tàu Việt Nam cố tình va chạm với tàu Trung Quốc đang hoạt động trong vùng lãnh hải của Trung Quốc. Việt Nam đã khuấy động sự căng thẳng và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản đường. Ảnh tư liệu
 

Trong khi không một ai công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, nước này vẫn không ngượng ngùng khi một mình một giọng. Giàn khoan Hải dương 981 đã nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhưng Trung Quốc vẫn to tiếng bảo vệ sự bất hợp pháp rõ như ban ngày của mình.

Hiện tại trong khu vực biển xung quanh giàn khoan trái phép Hải dương 981, Việt Nam có các tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển truyền thống. Ngoài ra còn có các tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, truyền thông điệp yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều ngày, chúng ta vẫn không thể đến gần khu vực giàn khoan vì sự cản phá quyết liệt của hơn 100 tàu Trung Quốc.

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm vào mạn phải. Ảnh: VOV

Trong khi tàu cá Việt Nam là tàu gỗ thì Trung Quốc đem đến đây những con tàu lớn gấp 6 lần tàu Việt Nam, vỏ bọc bằng sắt kiên cố. Trung Quốc đã tung ra 110 – 115 tàu cá, trong đó có 35-40 tàu Hải cảnh, khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo, 40 -45 tàu cá, bốn tàu quân sự (hai tàu quét mìn và hai tàu hộ vệ tên lửa), bốn máy bay quân sự . Bốn  tàu quân sự của Trung Quốc thường xuyên án ngữ tại vị trí cách giàn khoan khoảng 18-25 hải lý. Các tàu này thường xuyên sử dụng vòi rồng bắn, xịt nước mạnh vào tàu Việt Nam. Nhiều ngư dân và cảnh sát biển của chúng ta đã bị thương nặng.

Mỗi khi tàu cá Việt Nam tiếp cận gần khu vực giàn khoan là lập tức 4, 5 tàu Trung Quốc ép sát, truy đuổi và đâm húc.

 Tàu Trung Quốc (lớn) lao vào đâm tàu Việt Nam. Ảnh tư liệu

Sau một loạt hành động đó, Trung Quốc miễn cưỡng thừa nhận đã tấn công một tàu kiểm ngư, gây hư hại cho một tàu cảnh sát biển Việt Nam, đâm vào tàu CSB 2016 của Việt Nam vào ngày 1.6, gây hư hại nặng.

Đỉnh điểm của những hành động gây hấn là việc tàu cá Trung Quốc, số hiệu 11209 đâm chìm tàu cá Việt Nam số hiệu DNa 90152 TS. Ông Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu cá, một trong 10 ngư dân may mắn thoát chết, thuật lại: “Họ tấn công bất ngờ khi chúng tôi đang đánh bắt cá. Họ đâm vào bên phải rồi bên trái tàu khiến tàu lật úp chỉ trong vòng chưa đầy 4 phút. Tất cả ngư dân không đủ thời gian để mặc áo phao”. 

Trục vớt tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Lê Phi

Như vậy là đã rõ. Với tương quan lực lượng đã nêu, hành động tấn công mang tính bạo lực, đâm húc cả tàu cá của dân thường là để “tự vệ” trước điều gì? Vì sao “tự vệ” lại phải gầm rú máy bay trên đầu các ngư dân, hung hăng đâm húc các tàu nhỏ hơn mình nhiều lần và mở bạt che súng, hướng thẳng về phía tàu Việt Nam? Hai chữ “tự vệ” có ý nghĩa gì trong hành vi bỏ mặc 10 mạng sống của ngư dân Việt Nam trên chiếc tàu bị chính họ đâm chìm trước đó, không hề có một động thái cứu giúp?

Trung Quốc đang mượn tay truyền thông để che mắt người dân của nước họ và cộng quốc tế. Thực chất đó chỉ là hành động “vừa ăn cắp vừa la làng” của con cá lớn, họ đang cố kể một câu chuyện dối trá bị cá bé ăn thịt.

 

Trích từ bức thư tâm huyết của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi bạn bè quốc tế:

"Dư luận thế giới rất lo ngại hành động của TQ ảnh hưởng đến cả an toàn và tự do hàng hải quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh của cả khu vực. Phía TQ lại đổ lỗi việc đang xảy ra là do VN khiêu khích. Ai có thể tin một nước VN dân số bằng 1/15 của TQ, thu nhập GDP nhỏ hơn TQ 50 – 60 lần, đang cố gắng vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển lại có thể khiêu khích TQ?

Những nhà lãnh đạo TQ nói chính sách của TQ là “trỗi dậy hòa bình”, rằng trong dòng máu TQ không có“gien xâm lược, gien xưng bá”. Vậy TQ giải thích thế nào với tuyên bố chủ quyền trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” nhằm độc chiếm cả biển Đông, bất chấp cả luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982 của Liên hiệp quốc, bất chấp sự phản đối của cả thế giới?"

Phương Dung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm