Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng và bành trướng ở Biển Đông

Sáng 15-5, tiếp tục phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay nền kinh tế đang bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19. 

Quý I-2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. “Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỉ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong năm năm trở lại đây, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng” - ông Dũng nói. 

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư cũng cho biết nền kinh tế có một số điểm sáng, như kinh tế vĩ mô bốn tháng đầu năm giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7%, xuất siêu khoảng 3 tỉ USD…

Nhận định tình hình trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và được đánh giá cao.

Cạnh đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản... đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới. Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn...

Tuy nhiên, theo ông Dũng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Đặc biệt, theo báo cáo của Chính phủ, đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

"Căng thẳng Biển Đông sẽ tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông" - ông Dũng nói.

Liên quan tới nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị cần đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và bảo đảm nguồn nước sông Mê Kông.

Thảo luận sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng thời gian gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay hơn, kiểu hành xử áp đặt rõ ràng hơn trên Biển Đông, đặc biệt là lập đơn vị hành chính, quân sự hóa biển đảo. Ông đề nghị cần có kịch bản ứng phó nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Cần điều chỉnh nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. 

Theo đó, kịch bản 1, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4-2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III-2020 thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là 6,8%).

Kịch bản 2, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4-2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV-2020 thì GDP dự kiến tăng khoảng 3,6%-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm).

Bộ trưởng Dũng cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. 

Theo đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân năm năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Cạnh đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra) và tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra)… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm