Trục lợi, phó chủ tịch TP Cao Lãnh bị bãi nhiệm

Ngày 28-5, ông Nguyễn Ngọc Luân Lý, Chánh Văn phòng HĐND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho hay: HĐND TP Cao Lãnh khóa VIII nhiệm kỳ 2016-2021 vừa có kỳ họp bất thường để bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND và chức vụ phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh đối với ông Đặng Văn Nang (nguyên phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh).

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định kỷ luật về mặt đảng đối với ông Nang (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy) bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 28-9-2017, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nang (phó chủ tịch UBND, chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) trong dự án công trình đường giao thông nông thôn ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh (công trình có tổng dự toán vốn đầu tư sử dụng ngân sách hơn 4,7 tỉ đồng).

Ông Đặng Văn Nang bị bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND và phó chủ tịch TP Cao Lãnh. Ảnh: TL

Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm nên người dân hiến đất làm đường chứ không phải thu hồi đất. Thế nhưng tháng 10-2014, UBND TP Cao Lãnh ban hành bốn quyết định thu hồi đất đối với bốn hộ dân gồm: Hộ ông Đỗ Văn Hai, Lê Văn Hải, Lê Văn Phước và hộ ông Nang. Sau đó chính ông Nang ký bốn quyết định bồi thường cho bốn hộ nêu trên.

Trong đó, hộ ông Nang tự bồi thường cho mình số tiền hơn 237 triệu đồng, ông Hải được bồi thường hơn 97 triệu đồng, ông Phước hơn 88 triệu đồng và ông Hai hơn 257 triệu đồng…

Qua kiểm tra, xác minh, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã kết luận việc tố cáo ông Nang lợi dụng chức vụ, quyền hạn chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ký trình phê duyệt phương án bồi thường trái quy định để gia đình trục lợi tiền ngân sách nhà nước.

Sau khi có kết luận, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã chuyển hồ sơ sang công an nhưng cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Theo quy định, bãi nhiệm bản chất là hình thức xử lý kỷ luật do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Việc bãi nhiệm là buộc thôi giữ chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kỳ do vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao. Việc bãi nhiệm chỉ được thực hiện khi có 2/3 tổng số phiếu biểu quyết tán thành. Khi bị bãi nhiệm đồng nghĩa với mức độ vi phạm là nặng. Người bị bãi nhiệm sẽ không còn làm việc trong cơ quan nhà nước.

Còn việc miễn nhiệm là cho thôi giữ chức vụ do không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, do yêu cầu của nhiệm vụ hoặc theo đề nghị của cán bộ, công chức vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Việc miễn nhiệm không xem là hình thức kỷ luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm