Trộm trái cây bị khởi tố tội cưỡng đoạt

Chị Thu (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) có vườn quýt, cam sành rộng gần 3 ha. Giữa năm 2008, vườn cây chị đang ra hoa, kết trái thì ông C. đến ngã giá bao mua mùa trái này. Chị Thu đồng ý bán giá 330 triệu đồng cho ông C. và nhận cọc trước 150 triệu đồng. Phần còn lại khi cắt đợt trái rộ, bên mua sẽ giao đủ tiền.

Hai bên còn cam kết chị Thu sẽ trông nom để không cho ai chặt phá cây trái. Ông C. thì chăm sóc, bón phân, xịt thuốc nhưng phải bàn bạc kỹ lưỡng với chủ vườn để cùng giữ vườn cây tươi tốt.

Từ trộm cắp tài sản

Mặc dù trách nhiệm đôi bên đã giao kết rõ ràng nhưng theo chị Thu, ông C. đã chăm sóc cây trái không đúng yêu cầu, kỹ thuật. Thế nên nhiều cây lần lượt đổ bệnh rồi… “lên đường”. Tiếc cây, chị Thu vội mời hội nông dân, cán bộ xã đến khảo sát, lập biên bản tình trạng cây chết. Theo kết luận thì vườn cây nếu không cứu ngay sẽ lây lan và nhanh chóng “ra đi” hàng loạt.

Lo sợ vườn cây của mình sẽ chết hết, chị Thu đã bảo ông C. thanh lý hợp đồng sớm để chị có kế hoạch chăm sóc cây. Tuy nhiên, ông này từ chối vì đang mùa thu hoạch trái. Càng ngày càng thấy vườn cây khô héo, chị Thu nhờ TAND thị xã Đồng Xoài giải quyết chuyện thanh lý hợp đồng để chị cứu vườn cây.

Trộm trái cây bị khởi tố tội cưỡng đoạt ảnh 1

Tuy nhiên, khi đang chờ tòa giải quyết, chị cầm lòng không đặng trước cảnh cây đang bị bệnh lại phải nuôi nhiều trái, không sớm thì muộn cũng sẽ chết khô nên đã lén hái trái bán cho một người trong xóm. Ông C. phát hiện được, liền báo công an bắt quả tang. Theo kết quả giám định, chị Thu lén hái bốn lần gây thiệt hại cho ông C. hơn 2,5 triệu đồng.

Thế là giữa năm 2009, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam chị Thu về tội trộm cắp tài sản.

Đổi sang cưỡng đoạt tài sản

Do chị Thu bị bệnh trong thời gian tạm giam nên giữa tháng 7-2009, chị được gia đình bảo lãnh về chữa bệnh. Lúc này, cơ quan điều tra cũng vừa kết thúc điều tra, kết luận hành vi trộm cắp tài sản của bị can Thu là rõ ràng bởi bị can đã lợi dụng sự vắng mặt của ông C., lén lút hái cam quýt bán cho người khác. Giá trị tài sản trộm cắp trên 2 triệu đồng nên đã cấu thành tội phạm. Còn chuyện ông C. tố cáo rằng mình bị phía bị can Thu de dọa, uy hiếp để chiếm lại vườn cây là không có cơ sở để xử lý.

Sau đó, hồ sơ được chuyển qua Viện. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, Viện lại thấy rằng có điều gì đó chưa ổn về tội danh của bị can nên quay sang trao đổi với cơ quan điều tra. Lúc này hai cơ quan mới thống nhất rằng hành vi của bị can không phạm vào tội trộm cắp tài sản, mà phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản (!?).

Từ nhận định trên, mới đây VKSND thị xã Đồng Xoài đã phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra công an thị xã đối với bị can Thu từ tội trộm cắp sang tội cưỡng đoạt tài sản…

Chỉ là quan hệ dân sự

Với những chi tiết trên, không ít chuyên gia đã cho rằng cơ quan chức năng đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Luật sư Trần Minh San (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Nguyễn Thành Vĩnh (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cùng phân tích, chị Thu đã hợp đồng bán trái cho ông C., quyền sở hữu thực sự được chuyển giao khi bên bán giao trái cho bên mua. Nếu bên bán đã có bội ước (bán trái cho người khác) thì bên mua có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng. Trường hợp này, khi đang chờ TAND giải quyết việc thanh lý, chị Thu nóng vội hái quýt bán cho người khác là chị Thu vi phạm hợp đồng còn đang có hiệu lực, mà giá trị thiệt hại cũng nhỏ (chỉ hơn 2,5 triệu đồng). Vì vậy, bên mua có thể kiện dân sự nhờ tòa án phân giải. Việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam chị Thu như vậy là không đúng.

Không lý giải được tội cưỡng đoạt

Nếu như những gì báo nêu, tôi cũng không thể lý giải được tại sao cơ quan điều tra lại khởi tố bị can về tội cưỡng đoạt tài sản. Bởi với tội danh này, người phạm tội phải có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Áp dụng trong trường hợp này là rất khó hiểu.

Việc tạm giam được áp dụng nếu bị can có nhân thân xấu, có khả năng bỏ trốn, tiếp tục có hành vi vi phạm hoặc cản trở quá trình điều tra. Trong trường hợp này liệu có cần thiết? Nhiều khả năng cơ quan tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm bồi thường về việc khởi tố, bắt giam oan.

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM

LƯU NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm